TP.HCM cần khoảng 1 triệu tỷ đồng để đồng bộ hạ tầng giao thông

Đây là thông tin được ông Bùi An Hòa, Phó GĐ Sở Giao thông Vận tải TP.HCM chia sẻ tại Diễn đàn “Vị thế Logistics của TP.HCM từ góc nhìn cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực” vừa được tổ chức.
Một hạng mục thuộc tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM vừa được khởi công xây dựng
Một hạng mục thuộc tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM vừa được khởi công xây dựng

Theo bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, với quy mô thị trường hơn 12 triệu người, TP.HCM vừa là thị trường tiêu thụ, vừa là trung tâm phân phối hàng hóa lớn nhất nước.

TP.HCM cũng xác định ngành logistics là một trong 49 chương trình, đề án trọng tâm phát triển kinh tế thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đề ra là tốc độ tăng trưởng doanh thu logistics của doanh nghiệp TP.HCM đạt 15% vào năm 2025 và đạt 20% vào năm 2030, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP.HCM đến năm 2025 đạt 10% và đến năm 2030 đạt 12%; góp phần kéo giảm chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 còn khoảng 10 - 15%.

Tuy nhiên, ngoài những yếu tố thuận lợi cả về đường thủy, đường bộ, đường hàng không, TP.HCM vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn lớn, cản trở sự phát triển của ngành logistics. Trong đó, 2 yếu tố chính là hạ tầng giao thông và chất lượng nguồn nhân lực.

“Đường bộ nhỏ hẹp, tải trọng hạn chế; quá nhiều giao lộ tắc nghẽn do xung đột giữa các luồng xe; thiếu cầu đủ trọng tải phù hợp giao thương hàng hóa, kết nối cảng với các KCN, KCX... Tại các cảng biển, tình trạng quá tải cũng thường xuyên xảy ra”, ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM nêu thực trạng.

Ông Bùi An Hòa, Phó GĐ Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cũng thừa nhận: Hạ tầng giao thông của thành phố chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Các tuyến đường vành đai kết nối các tỉnh thành triển khai còn chậm, chưa tương xứng tiềm năng phát triển.

“Để đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, từ nay đến năm 2030, thành phố cần nguồn vốn hơn 970.000 tỷ đồng”, ông Hòa chia sẻ và cho biết: Trong giai đoạn trước mắt, thành phố sẽ tập trung, ưu tiên triển khai các dự án như Vành đai 2, 3 và 4, đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, nút giao An Phú, Quốc lộ 50, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2. Tập trung triển khai dự án các cảng tại Khu công nghệ cao (6ha), Củ Chi (15ha), Phú Định giai đoạn 2 (60ha) và KCN Cát Lái...

Tuy nhiên, với số tiền đầu tư lớn như vậy, ngoài khai thác nguồn thu từ hoạt động đấu giá quỹ đất sạch, đấu giá trụ sở cơ quan, quỹ đất dọc tuyến đường sắt đô thị, TP.HCM đang tiếp tục kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố; tính đến việc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để tạo nguồn vốn đầu tư dự án, hoặc đề xuất Chính phủ thu xếp nguồn vốn phù hợp cho thành phố vay lại để đầu tư phát triển hạ tầng. Phương án trả nợ vay thông qua khai thác các nguồn lực từ đất dọc các tuyến vành đai, cao tốc và vùng phụ cận.

Hiện sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển thành phố đã vượt 2,63% so với quy hoạch tiếp nhận của năm 2030
Hiện sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển thành phố đã vượt 2,63% so với quy hoạch tiếp nhận của năm 2030

Việc quy hoạch, xây dựng hệ thống cảng biển, các trung tâm logistics cũng được các chuyên gia, doanh nghiệp hết sức quan tâm. Ông Huỳnh Văn Cường cho rằng: Hiện sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển thành phố đã vượt 2,63% so với quy hoạch tiếp nhận của năm 2030 và chiếm 23,26% so với sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển cả nước.

Do vậy, cần thiết bổ sung và thúc đẩy nhanh xây dựng cảng biển nước sâu tại Cần Giờ - điều kiện tất yếu để TP.HCM duy trì vị thế trung tâm logistics của cả nước, hướng đến mục tiêu phát triển trung tâm tài chính TP.HCM đặt ra.

Hệ thống cảng biển này phải được kết nối đồng bộ với hệ thống giao thông của TP.HCM và kết nối liên vùng để đảm bảo cho việc vận chuyển một cách thuận lợi, nhanh chóng. Mặt khác, TP.HCM đang rất thiếu trung tâm logistics bởi dù đã quy hoạch 7 trung tâm nhưng hiện chỉ có trung tâm logistics tại Khu công nghệ cao 6ha đang kêu gọi đầu tư. 6 trung tâm còn lại (ở Hóc Môn, Củ Chi, Linh Trung, Long Bình, Cát Lái - Phú Hữu, Hiệp Phước, Tân Kiên), mới dừng ở khâu quy hoạch.

Đối với việc phát triển nguồn nhân lực, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó GĐ Sở Công thương TP.HCM cho biết: Việt Nam hiện có gần 30.000 doanh nghiệp logistics, trong đó số DN hoạt động ở TP.HCM chiếm 54%. Bình quân mỗi doanh nghiệp 20 người và với nhu cầu tăng trưởng nhân sự 7,5%/năm, các DN sẽ cần 8.400-10.000 lao động/năm. Thế nhưng, thực tế đào tạo hiện nay chỉ đáp ứng 30% nhu cầu này. Do vậy, việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho DN ngành logistics nói chung, là rất cấp thiết.

Để tháo gỡ “điểm nghẽn” này, TP.HCM đã làm việc với các trường đại học, trung tâm dạy nghề và đề xuất hỗ trợ 70%/chi phí đào tạo ngắn hạn cho nguồn nhân lực dành cho DN nhỏ và vừa. Đồng thời, thúc đẩy mô hình đào tạo “nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp” có tính đến liên kết hợp tác quốc tế nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, giảm chi phí và thời gian đào tạo lại cho DN. Thành phố cũng chủ động đề xuất liên kết với các tỉnh thành để mở rộng quy mô đào tạo và chia sẻ nguồn nhân lực.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm