Đây là một trong trọng điểm được người dân mong chờ vì tình trạng tắc nghẽn giao thông tại cửa ngõ vào Sân bay Tân Sơn Nhất đã xảy ra nhiều năm nay.
Dự án được UBND TP.HCM phê duyệt đầu tư vào cuối năm 2021. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 4.800 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp hơn 1.735 tỷ đồng, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hơn 2.640 tỷ đồng, lấy từ nguồn ngân sách thành phố.
Dự án bao gồm phần đường, phần cầu (trước nhà ga T3), hầm chui, hệ thống thoát nước, chiếu sáng, cây xanh. Phần đường có chiều dài toàn tuyến khoảng 4.031m với điểm đầu là giao lộ giữa đường Trần Quốc Hoàn và đường Phan Thúc Duyện. Điểm cuối tuyến: Giao đường C12 - đường Cộng Hòa - đường Trường Chinh.
Phần cầu (trước nhà ga T3) dài gần 1km. Xây dựng 2 hầm chui tại tại nút giao thông đường Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn và nút giao đường Trường Chinh - đường Tân Kỳ Tân Quý.
Mục tiêu đầu tư xây dựng của dự án là kết nối nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Cải thiện tình trạng giao thông khu vực xung quanh Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
UBND TP đã giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (chủ đầu tư) chủ động phối hợp với UBND Q.Tân Bình, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan xác định, hoàn thành việc bàn giao ranh, phương án bồi thường GPMB, tái định cư, thu hồi đất quốc phòng của dự án đúng quy định.
Triển khai thực hiện đồng bộ với dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để phát huy tối đa hiệu quả khai thác.
Đồng thời chủ động làm việc với Sư đoàn Không quân 370 và các đơn vị quản lý đất quốc phòng khác để hoàn thiện phương án kết nối ra vào khu đất quốc phòng cũng như các khu đất quốc phòng khác bị ảnh hưởng bởi dự án, đảm bảo tổ chức giao thông thuận lợi, an toàn.
Phối hợp với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam để triển khai các nội dung liên quan đến công tác tổ chức giao thông, kết nối 2 dự án đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo, phát huy hiệu quả khai thác.
Đối với hạng mục hầm chui tại vị trí nút giao thông Trường Chinh - Tân Kỳ Tân Quý và nút giao thông Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện, chủ đầu tư chủ động làm việc với Ban Quản lý đường sắt đô thị và các đơn vị liên quan để rà soát, cập nhật quy hoạch, hoàn thiện phương án tổ chức giao thông. Từ đó xác định phạm vi, quy mô thiết kế chi tiết và các nội dung khác có liên quan, đảm bảo tổ chức giao thông thuận lợi, an toàn, tiết kiệm.
Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào năm 2024.
Ngày 28/4/2022: Khánh thành cầu Thủ Thiêm 2
Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết: Dự án cầu Thủ Thiêm 2 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng ngày 28/4/2022, nối Q.1 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức. Với vị trí chiến lược, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ giúp giảm áp lực giao thông rất lớn cho cầu Sài Gòn và hầm Thủ Thiêm.
Cầu Thủ Thiêm 2 có điểm đầu tại giao lộ Tôn Đức Thắng - Lê Duẩn, điểm cuối kết nối vào đường Trần Bạch Đằng (tuyến R1) với tổng chiều dài gần 1,5km. Cầu Thủ Thiêm 2 có kiến trúc cầu rồng, với hình dáng cong về phía sau của tháp cầu và hình uốn lượn nhìn từ mặt bên của cầu.