Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã: CTG) vừa công bố BCTC Kiểm toán năm 2018. Báo cáo cho thấy, đến cuối năm 2018, VietinBank còn 13.426 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành, trong đó đã trích lập dự phòng 2.230 tỷ đồng.
Trước đó, theo BCTC Kiểm toán bán niên năm 2018, đến cuối tháng 6/2018, VietinBank không còn nắm giữ trái phiếu đặc biệt nào do VAMC phát hành và chính thức gia nhập danh sách những nhà băng không còn nợ xấu tại VAMC như Vietcombank, Techcombank, MBBank, VIB.
Tính đến cuối năm 2018, tổng số nợ xấu nội bảng tại VietinBank là 13.691 tỷ đồng, tăng 53% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 85% lên 9.470 tỷ đồng và chiếm 69% trong cơ cấu nợ xấu. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tại ngân hàng tăng từ 1,13% cuối năm 2017 lên mức 1,58% cuối năm 2018.
Năm 2018, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VietinBank đạt 6.730 tỷ đồng, giảm 27% so với năm 2017 và chỉ vừa kịp hoàn thành kế hoạch năm đã điều chỉnh vào thời điểm gần cuối năm (6.700 tỷ). Trong đó, lợi nhuận của riêng ngân hàng mẹ đạt 6.365 tỉ đồng, giảm gần 24%.
Lý giải cho vấn đề này ngân hàng cho biết nguyên nhân là ngân hàng đang tích cực thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, áp dụng chuẩn mức Basel II. Đồng thời do phương án tăng vốn chưa được duyệt buộc ngân hàng phải điều hành giảm quy mô tín dụng.
Năm 2018 là năm đầu tiên Vietinbank ra khỏi top 5 lợi nhuận ngân hàng. Theo lãnh đạo nhà băng này, nguyên nhân là phân loại lại và hạ nhóm nợ một số khoản vay. Điều thấy rõ nhất trên báo cáo tài chính của Vietinbank là khoản lãi dự thu của ngân hàng "bốc hơi" 7.618 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí lãi ghi nhận hơn 6.500 tỷ đồng chi phí hoạt động tín dụng khác.
Liên quan đến các dự án thua lỗ nghìn tỷ của Bộ Công Thương, ngoài Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) thì Vietinbank cũng đang "mắc kẹt" hàng nghìn tỷ đồng tại các dự án này.
Cụ thể, VietinBank Chi nhánh Bắc Giang đang cho Đạm Hà Bắc vay với số tiền lên tới 3.678 tỷ đồng (gồm cả dài hạn và ngắn hạn). Trong đó, 2.710 tỷ đồng là khoản tín dụng được tài trợ bởi cả Vietinbank các ngân hàng đồng tài trợ như Cathay United Bank - Chi nhánh Gia Lai hay Indovina - Chi nhánh Hà Nội.
Tính đến thời điểm 30/6/2018, VDBank và VietinBank cũng là hai chủ nợ lớn nhất của DAP Lào Cai. Cụ thể, khoản tín dụng mà VDB - Chi nhánh Lào Cai và VietinBank - Chi nhánh Hà Nội tài trợ cho DAP Lào Cai lần lượt là hơn 1.735 tỷ đồng và 1.100 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, VietinBank cũng đang kẹt hàng trăm tỷ đồng tại “bom nợ” Đạm Ninh Bình. Đây là các khoản tín dụng VietinBank cung cấp cho Vinachem, sau đó Vinachem cho Đạm Ninh Bình vay lại để thanh toán các khoản nợ gốc cho VDB. Cụ thể, số dư của khoản tín dụng này tính đến thời điểm 30/6/2018 vẫn còn 462,7 tỷ đồng.
Trong tình trạng các đơn vị trên kinh doanh thua lỗ và không thể trả các khoản vay đến hạn thì các chủ nợ sẽ phải ghi nhận là nợ xấu. Điều đó sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của chính các chủ nợ này và cho cả nền kinh tế.
>> Vietinbank chốt phương án chuyển nhượng toàn bộ siêu dự án tại Ciputra