Nợ xấu của ACB đã giảm mạnh xong vẫn còn hơn 1.419 tỷ đồng
Ngân hàng ACB vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4/2016, trong đó, nhiều chỉ tiêu kinh doanh chính tăng trưởng lạc quan. Cụ thể, tổng thu nhập lãi thuần tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.946 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, thu nhập lãi thuần đạt hơn 6.891 tỷ đồng.
Sau nhiều sóng gió, năm 2016 có lẽ là năm đáng ghi nhận của ACB khi các hoạt động kinh doanh có sự hồi phục mạnh mẽ. Trong đó, thu nhập lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 283 tỷ đồng, tăng tới 35%; kinh doanh ngoại hối đem về khoản lãi 79 tỷ đồng, tăng 23%; mua bán chứng khoán kinh doanh lãi 74 tỷ, tăng gấp 14 lần cùng kỳ năm trước.
Nhưng quý 4 chi phí hoạt động tăng mạnh 62,5% lên 1.188 tỷ đồng, cả năm chi phí hoạt động tăng lên mức 4.678 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro trong kỳ ở mức 655 tỷ đồng, luỹ kế cả năm 1.217 tỷ đồng.
Mặc dù lợi nhuận thuần tăng gấp 3 lần, đạt 1.077 tỷ đồng song do trích lập dự phòng rủi ro lớn nên lợi nhuận trước thuế quý 4/2016 chỉ đạt 422,7 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm, ACB đạt 1.667 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng 26,8% và vượt chỉ tiêu đề ra ở mức 1.503 tỷ đồng. Lãi sau thuế còn 1.325 tỷ đồng, tăng gần 29% so với năm trước.
Theo kế hoạch đặt ra tại ĐHCĐ năm trước, ACB dự kiến kế hoạch chia cổ tức năm 2016 bằng cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 10:1.
Tính thời điểm 31/12/2016, tổng tài sản của ngân hàng ACB đạt 233 nghìn tỷ đồng, tăng 16% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 163.401 tỷ đồng, tăng 20,7% và không bao gồm hơn 1.445 tỷ đồng nợ vay của khách hàng của chứng khoán ACBS. Tiền gửi của khách hàng đạt 207.051 tỷ đồng, tăng 18,3%.
Năm qua, ACB cho thấy kết quả xử lý nợ xấu tích cực hơn. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ 1,31% xuống còn 0,87% dư nợ. Tổng số nợ xấu 1.419 tỷ đồng, trong đó nợ nhóm 5- có nguy cơ mất vốn chiếm hơn 1.046 tỷ đồng.
Thu Hằng
>> Tài sản cổ phiếu ACB của đại gia đình Trần Mộng Hùng vượt hơn 2.444 tỷ đồng