Triển khai dự án Vành đai 3, TP. HCM yêu cầu “cả hệ thống chính trị” vào cuộc

Thành ủy TP.HCM vừa ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện dự án Vành đai 3 trên địa bàn. Chỉ thị này được quán triệt, phổ biến đến các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên thuộc Đảng bộ Thành phố.

Theo đó, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM là một trong những dự án trọng điểm quốc gia được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022, với yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác toàn bộ dự án năm 2026.

Đây là dự án có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối hạ tầng giao thông, thúc đẩy liên kết vùng, tạo không gian và động lực phát triển kinh tế - xã hội TPHCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Chính vì vậy, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM yêu cầu việc triển khai dự án Vành đai 3 đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị trên địa bàn phải nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tính cấp bách của dự án, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực nhằm bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án với quyết tâm chính trị cao nhất; coi trọng sự đồng thuận xã hội và lợi ích của người dân trong thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án.

Theo đó, giao Ban cán sự Đảng UBND Thành phố lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo triển khai kịp thời, nghiêm túc, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM.

Bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, liên thông trong việc xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện dự án và Kế hoạch chi tiết triển khai các dự án thành phần trên địa bàn TPHCM; thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp các địa phương có tuyến đường đi qua.

Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ huy Dự án; thường xuyên tổ chức giao ban định kỳ để rà soát tiến độ, chỉ đạo giải quyết hoặc tham mưu giải quyết ngay những vấn đề phát sinh, các khó khăn, vướng mắc do chủ đầu tư, các sở, ngành, UBND TP.Thủ Đức và các huyện liên quan kiến nghị, tuyệt đối không để xảy ra ách tắc bất cứ khâu nào để đáp ứng yêu cầu về tiến độ; chuẩn bị đủ nguồn quỹ đất ở, nhà ở tái định cư tại địa bàn phục vụ cho công tác bồi thường, tái định cư đạt hiệu quả cao nhất.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát các đồ án quy hoạch có liên quan đến dự án Vành đai 3 trên địa bàn để đề xuất cập nhật, điều chỉnh quy hoạch nhằm bảo đảm tiến độ thực hiện dự án; đồng thời phát huy lợi thế, tiềm năng các quỹ đất vùng phụ cận, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố định kỳ hằng tháng, quý, 6 tháng và năm báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Thường vụ Thành ủy. Quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phải kịp thời báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy để có điều chỉnh, bổ sung chỉ đạo phù hợp.

Chỉ thị cũng giao nhiệm vụ cho Ban Dân vận Thành ủy chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đảng đoàn các tổ chức chính trị - xã hội thành phố lãnh đạo hệ thống dân vận, mặt trận, đoàn thể các địa phương liên quan tổ chức phối hợp đồng bộ công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đồng thuận với chính quyền triển khai thực hiện tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng cho dự án.

Tăng cường công tác giảm sát, phản biện xã hội, kịp thời phát hiện những điểm chưa phù hợp trong chính sách, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng cũng như trong quá trình triển khai thi công dự án để kiến nghị giải quyết. Thường xuyên và kịp thời báo cáo tình hình nhân dân và dư luận xã hội cho Ban Chỉ đạo và Ban Thường vụ Thành ủy.

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM kết nối TP.HCM với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An và các địa phương khác trong vùng có chiều dài 76,34 km, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 642,7ha, trong đó, đất trồng lúa khoảng 70,24 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 103,52 ha, đất rừng sản xuất khoảng 16,82 ha, đất dân cư (đất ở) khoảng 64,1ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 229,62 ha, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 11,2 ha và đất khác khoảng 147,2 ha. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch, trừ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn đã đầu tư.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỉ đồng, được chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...