Thông tin đang được các cử tri quan tâm là cuối tháng 7 này, Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” sẽ làm việc với lãnh đạo TP.HCM về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó đặc biệt quan tâm tới lãng phí nguồn đầu tư công, dự án công.
Một trong số các dự án gây bức xúc trong dư luận thời gian qua là Trung tâm Triển lãm quy hoạch thành phố với số tiền mà chính quyền thành phố đã bỏ ra tới 40 triệu USD (hơn 800 tỷ đồng). Công trình nằm trên “đất vàng” Khu đô thị mới Thủ Thiêm, cạnh khu đất dự kiến xây công trình nhà hát 1.500 tỷ đồng, hứa hẹn sẽ tạo sức hút để khu đô thị mới này cất cánh.
Tuy nhiên, 8 năm qua dự án vẫn bỏ dở, hoang tàn, gây lãng phí rất lớn nguồn vốn đầu tư công, lãng phí đất đai, cần phải quy rõ trách nhiệm là lỗi của chủ đầu tư (Ban quản lý dự án của TP), hay do cách thức triển khai có vấn đề, do chọn năng lực nhà thầu yếu kém?
Hoang tàn 8 năm qua
Căn cứ quyết định số 2287/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín ký, TP.HCM đã tiến hành khởi công xây dựng Trung tâm Triển lãm quy hoạch TP với số tiền đầu tư 40 triệu USD (tương đương hơn 800 tỉ đồng).
Ngày 1/11/2011, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 5277/QĐ-UBND để thành lập BQL Xây dựng Trung tâm Triển lãm quy hoạch Thành phố, trực thuộc UBND TP.HCM. Như vậy, BQL Xây dựng Trung tâm Triển lãm quy hoạch là chủ đầu tư, đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng công trình này.
Công trình có diện tích hơn 18.000m2, cao 5 tầng, tổng mức đầu tư hơn 836 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 357 tỷ, chi phí thiết bị 268 tỷ và các chi phí còn lại là hơn 211 tỷ đồng. Địa điểm xây dựng thuộc lô I-19, Khu đô thi Thủ Thiêm, nằm kế bên lô I-21 là khu đất dự kiến xây dựng Nhà hát Giao hưởng 1.500 tỷ đồng.
Ngoài chức năng chính là triển lãm quy hoạch và kiến trúc, tòa nhà còn hứa hẹn là nơi giao lưu của giới chuyên môn, người dân và khách du lịch. Đây được xem là nơi trưng bày, kêu gọi các nhà đầu tư đến Khu đô thị Thủ Thiêm và được kỳ vọng sẽ là một khởi đầu cho làn sóng những nhà đầu tư trong tương lai.
Khởi công năm 2014, lãnh đạo TP dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2016. Tuy nhiên, đến nay công trình vẫn hoang tàn. Theo ghi nhận của phóng viên, công trình triển lãm hiện tại nằm cô độc giữa những bụi cỏ mọc quá đầu người. Thậm chí, nhiều người dân TP.HCM còn ví von nhà triển lãm tựa như “nấm mồ hoang phế” vì chẳng mấy ai đến khu vực này. Khu để xe của trung tâm thì ngập đầy nước mưa, tường bám rêu phong, cũ kỹ.
Phía bên ngoài, quy hoạch hệ thống đường xá, giao thông cũng chưa được xây dựng hoàn chỉnh khiến công trình càng bị cô lập. Hiện công trình vẫn còn một số hạng mục đang thi công, nhưng số lượng công nhân chỉ có vài người và tốc độ làm việc cực kỳ chậm chạp.
Tổng thầu và vai trò của ATAD tại dự án bỏ hoang
Tổng thầu của công trình này là một liên doanh gồm 3 công ty, trong đó đóng vai trò quan trọng là Công ty CP Kết cấu thép ATAD, có trụ sở tại 99 Nguyễn Thị Minh Khai, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM.
Sở dĩ nói quan trọng là vì công ty này thi công phần quan trọng nhất và cũng là “nặng ký” về kinh phí của toàn bộ dự án đó là khung thép, được xem là xương sống trong thiết kế của toàn bộ công trình. Ngoài ra còn có nhiều gói thầu nhỏ hơn do các nhà thầu khác đảm nhiệm.
Theo thông tin tự giới thiệu trên website, ATAD là đơn vị cung cấp giải pháp trọn gói bao gồm các công đoạn tư vấn, thiết kế, sản xuất, lắp dựng các sản phẩm nhà thép tiền chế và kết cấu thép chất lượng cao. Từ năm 2004 đến nay, đã thực hiện hơn 3.500 công trình trên hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ với mạng lưới văn phòng đại diện nhiều nước.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều chuyên gia xây dựng thì đây là một công trình thiết kế đồ sộ về khung thép phức tạp (hệ khung nghiêng 72 độ), lại có độ nghiêng dốc mái, rất khó về kỹ thuật, đòi hỏi kinh nghiệm cao của các nhà thầu khung sàn, thép, nhôm kính.
Nếu nhà thầu chính không dày kinh nghiệm, thiết kế thi công với độ chính xác cao thì sẽ dễ dẫn đến các nhà thầu phần nhôm, kính, nội thất “bó tay” vì không thể lắp ráp ăn khớp, hoàn thiện phần việc của mình được. Càng để lâu thì dẫn đến một số cấu kiện bên ngoài bị ảnh hưởng, việc hoàn thiện lại càng trở nên khó khăn hơn.
Trước thực trạng công trình đầu tư công với số vốn hơn 800 tỷ đồng, dở dang, không thể hoàn thiện để đưa vào sử dụng, gây lãng phí nguồn vốn, lãng phí đất đai, dư luận một lần nữa đặt ra câu hỏi: Việc lựa chọn năng lực các nhà thầu đã được thực hiện tốt chưa và nếu nhà thầu có năng lực yếu kém thì chủ đầu tư có biện pháp mạnh nào để thúc đẩy tiến độ. Công ty ATAD, đơn vị thi công phần cấu kiện khung thép dù được quảng cáo hoành tráng nhưng có thực sự đảm bảo năng lực thi công cho dự án dược đánh giá là có độ khó này.
Hơn 800 tỷ đồng vốn đầu tư công bỏ vào một công trình dang dở hơn 8 năm qua là một lãng phí rất lớn, chưa kể lãng phí về nguồn lực đất đai, làm xấu xí bộ mặt của Khu đô thị mới Thủ Thiêm nói riêng và TP.HCM nói chung.
Chính vì vậy, cử tri mong muốn Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021” sẽ làm rõ trách nhiệm về câu chuyện lãng phí xảy ra tại Trung tâm Triển lãm Quy hoạch thành phố, làm rõ ai là người phải chịu trách nhiệm cho sự lãng phí này?