TS. Trần Đình Thiên: "Cơ cấu kinh tế có vấn đề"

Dù được coi là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế, kinh tế tư nhân chỉ tăng thêm được… 0,8 điểm phần trăm tỷ phần trong GDP trong 6 năm qua...
TS. Trần Đình Thiên: "Cơ cấu kinh tế có vấn đề"

Đó là nhận xét của TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn Triển vọng phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam năm 2019 vừa diễn ra tại Hà Nội.

Tình trạng nền kinh tế hiện nay, nhìn từ góc độ cơ cấu các thành phần, là đáng báo động, ông Thiên nhấn mạnh.

Tham luận của vị chuyên gia này nêu rõ, thực lực của nền kinh tế cải thiện chậm, hiện tại rất yếu.

Đóng góp GDP chủ yếu vẫn là thành phần kinh tế nhà nước (28%) và kinh tế hộ gia đình (32%), nhưng đây lại là hai lực lượng "có vấn đề" nhất về năng lực. Khu vực hộ gia đình là lực lượng nhỏ bé, manh mún, trong khi kinh tế Nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ lớn, nợ xấu nhiều, tiêu phí nhiều tài nguyên và nguồn lực quốc gia.

Cả hai thành phần này đều có sức cạnh tranh yếu, khó trở thành trụ cột bảo đảm cho nền kinh tế năng lực hội nhập và cạnh tranh quốc tế thành công, ông Thiên nhận định.

Trong khi đó, kinh tế tư nhân trong nước, tuy về nguyên tắc phải là lực lượng đóng góp chủ yếu vào GDP thì sau 30 năm đổi mới, chỉ đóng góp chưa đến 10%. Dù được coi là động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế, thành phần này chỉ tăng thêm được… 0,8 điểm phần trăm tỷ phần trong GDP trong 6 năm qua", ông Thiên phân tích.

Nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng nêu đặc điểm quan trọng của thành phần kinh tế tư nhân là số doanh nghiệp "nhỏ và siêu nhỏ" vẫn chiếm 95-96% tổng số doanh nghiệp, số doanh nghiệp "vừa" chỉ chiếm khoảng 1,7% tạo thành chỗ khuyết thiếu cơ cấu quan trọng.

Tỷ trọng quá nhỏ bé của nhóm doanh nghiệp "vừa" (nhỏ hơn cả tỷ trọng doanh nghiệp lớn khoảng 2%) chứng tỏ doanh nghiệp tư nhân Việt Nam rất khó lớn, chậm lớn và cũng khó có lực lượng tốt để phát triển thành doanh nghiệp lớn, ông Thiên phân tích.

Đặc điểm thứ hai được ông Thiên chỉ ra là quá ít các tập đoàn tư nhân lớn, càng ít tập đoàn lớn định hướng đầu tư sản xuất, chủ yếu lớn nhờ kinh doanh bất động sản và đang phải đối mặt với một môi trường kinh doanh nhiều rủi ro, bởi lớn lên nhờ đầu cơ là chính

"Tài năng của doanh nhân Việt Nam tập trung vào đầu cơ chứ không phải cho đầu tư và cạnh tranh quốc tế, trong khi nguy cơ phạm luật mang tính hiện thực rất cao", ông Thiên nhận xét.

Chuyên gia Trần Đình Thiên cũng chỉ ra rằng, chỉ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là tương đối "ăn nên làm ra", đóng góp khoảng 20% GDP với tốc độ gia tăng mang tính áp đảo.

Ông Thiên phân tích, khu vực FDI lớn mạnh như vậy một phần là nhờ họ có thế mạnh vượt trội về thực lực tài chính, năng lực quản trị, sức mạnh thị trường, trình độ công nghệ và khả năng gia nhập chuỗi sản xuất toàn cầu.

Nhưng lý do quan trọng không kém, thậm chí còn quan trọng hơn là do họ biết dựa vào thế mạnh của mình để tận dụng triệt để những lợi thế và ưu đãi mà Việt Nam dành cho đầu tư nước ngoài, bao gồm cả lợi thế tự nhiên (tài nguyên, lao động đồi dào với tiền lương thấp, vị trí địa lý, quy mô và sức tăng trưởng của thị trường) và ưu đãi chính sách (tiếp cận đất đai, miễn giảm thuế, cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các địa phương).

"Những ưu đãi này không được dành cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam lại bị trói buộc và hạn chế bởi nhiều thể chế, chính sách và các quy định đặc thù ( chính sách lãi suất, chính sách tỷ giá hối đoái, hàng ngàn thủ tục và quy định..." ông Thiên so sánh và khái quát: đây là một cơ cấu kinh tế có vấn đề.

Nền kinh tế với cơ cấu thành phần – lực lượng như trên là kết quả của một chiến lược phát triển nền kinh tế nhiều thành phần "có vấn đề": phân biệt đối xử, không tôn trọng nguyên tắc thị trường, xác định vai trò, chức năng của các lực lượng kinh tế sai lệch kéo dài, làm méo mó môi trường kinh doanh thông qua các chính sách thiên lệch, ông Thiên khái quát.

Theo Nguyên Vũ/Vneconomy

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...