Từ 1/7, bắt đầu tổng điều tra kinh tế năm 2021 giai đoạn II

Theo Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra kinh tế năm 2021 chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I, từ ngày 1/3 đến ngày 30/5/2021; Giai đoạn II, từ ngày 1/7 đến ngày 30/7/2021.
Từ 1/7, bắt đầu tổng điều tra kinh tế năm 2021 giai đoạn II

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 nhằm thu thập thông tin cơ bản từ các doanh nghiệp, hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng về tình hình sản xuất kinh doanh, kinh tế số, thương mại điện tử và sản phẩm đặc thù của các ngành và địa phương. Kết quả Tổng điều tra phục vụ đánh giá toàn diện thực trạng và xu hướng phát triển kinh tế - xã hội, là căn cứ để xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 quy định thời gian thu thập thông tin từ tháng 3 đến tháng 7/2021, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I, từ ngày 1/3 đến ngày 30/5/2021 thực hiện thu thập thông tin từ các doanh nghiệp, hợp tác xã; đơn vị sự nghiệp; hiệp hội. Riêng đối với các địa phương có từ 8.000 doanh nghiệp trở lên được hoàn thành công tác thu thập thông tin của các doanh nghiệp trong tháng 8/2021; Giai đoạn II, từ ngày 1 đến ngày 30/7/2021 thực hiện thu thập thông tin từ các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

Tổng điều tra kinh tế năm 2021 đã ứng dụng triệt để công nghệ thông tin. Đến thời điểm hiện nay, công tác thu thập thông tin Giai đoạn I cơ bản được thực hiện theo đúng kế hoạch, dữ liệu được truyền đưa và lưu trữ trên máy chủ của Tổng cục Thống kê ngay sau khi kết thúc thu thập thông tin tại các đơn vị điều tra. Tổng điều tra kinh tế giai đoạn II sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn bộ các xã/phường/thị trấn rộng khắp cả nước nhằm thu thập thông tin của trên 5 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và trên 45 nghìn cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng. Dự kiến lực lượng tham gia Tổng điều tra kinh tế giai đoạn II là khoảng 30 nghìn người, trong đó khoảng 25 nghìn điều tra viên thống kê có trình độ nghiệp vụ, kỹ năng điều tra và có thể sử dụng thành thạo các thiết bị di động thông minh (máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh) sẽ được tuyển dụng để thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin tại địa bàn.

Ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Tổng điều tra kinh tế giai đoạn II được thực hiện trên phạm vi lớn với nhiều thách thức trong việc thu thập thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời; đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin và đảm bảo hệ thống thông tin, đường truyền dữ liệu thông suốt từ địa phương đến Trung ương. Đặc biệt, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, công tác thu thập thông tin giai đoạn II gặp nhiều thách thức, khó khăn đòi hỏi Ban chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương và các Ban Chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm tiến độ, chất lượng thông tin, đồng thời phòng chống dịch an toàn, hiệu quả.

Theo Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng Công nghệ thông tin thống kê Vũ Thị Thuỷ (Tổng cục Thống kê) cho biết, thực hiện Tổng điều tra kinh tế giai đoạn II trong tháng 7/2021 đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng cần đặc biệt lưu ý một số điểm, như cần đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia điều tra và các đơn vị thực hiện điều tra trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp tại địa phương cần trao đổi với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương về những trường hợp đặc thù, có nguy cơ ảnh hưởng đến mức độ an toàn của những người tham gia điều tra để thống nhất hướng dẫn thực hiện trong thời gian thu thập thông tin tại địa bàn. Trong đó, cần xác định đúng cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể và bổ xung trong danh sách điều tra nếu phát sinh; Mô tả đúng sản phẩm và chọn đúng mã ngành sản phẩm.Việc chọn đúng mã ngành là đặc biệt quan trọng trong việc thu thập các thông tin tiếp theo của phiếu hỏi, đảm bảo phản ánh đúng tình hình sản xuất kinh doanh của các cơ sở; Hiểu rõ câu hỏi điều tra và sử dụng thành thạo phần mềm điều tra; Tăng cường kiểm tra số liệu trực tuyến trên các phần mềm của Tổng điều tra.

 Hộ kinh doanh cá thể sẽ thuộc đối tượng tổng điều tra kinh tế giai đoạn II. 

Cục Thu thập dữ liệu và Ứng dụng Công nghệ thông tin thống kê cũng đưa ra giải pháp ứng phó, xử ký một số tình huống trong quá trình thu thập thông tin tại địa bàn trong Tổng điều tra kinh tế giai đoạn II.

Đặc biệt, trong quá trình thu thập thông tin tại địa bàn, nếu điều tra viên thống kê không tiếp cận được với đơn vị điều tra do cơ sở tạm đóng cửa vì nhiều lý do, trong dó có lý do cơ sở tạm nghỉ để phòng chống dịch Covid-19 thì điều tra viên thống kê cần liên lạc với chủ cơ sở qua điện thoại để hẹn lịch phỏng vấn. Trường hợp không có số điện thoại của chủ cơ sở, điều tra viên thống kê liên lạc với tổ trưởng tổ dân phố/trưởng thôn, ấp, bản để đề nghị cung cấp số điện thoại liên lạc của cơ sở hoặc nhờ sự trợ giúp của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã để liên lạc với chủ cơ sở.

Với những cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể không hợp tác cung cấp thông tin, điều tra viên thống kê cần tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của Tổng điều tra kinh tế để cơ sở hợp tác cung cấp thông tin. Sau khi đã thực hiện các nội dung tuyên truyền, vận động mà cơ sở vẫn không hợp tác cung cấp thông tin, điều tra viên thống kê báo cáo với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra cấp xã để có các phương án hỗ trợ và xử lý phù hợp.

Xem thêm

Tổng điều tra kinh tế vào năm 2021

Tổng điều tra kinh tế vào năm 2021

Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Trung ương do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Trưởng ban, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê làm Phó Trưởng ban.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...