Tham dự buổi toạ đàm trực tuyến thúc đẩy giao thương ngành dầu cọ giữa Indonesia và Việt Nam có ngài Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Ibnu Hadi, Tham tán Kinh tế Masriati Lita S.Pratama, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký VACOD Nguyễn Thị Thu Thuỷ và đại diện Tổng công ty Thương mại Hapro Nguyễn Thị Thu Hiền… Về phía đầu cầu Indonesia với sự góp mặt của Chủ tịch Hiệp hội Dầu cọ Indonesia (IPOA) Joko Supriyono và một số doanh nghiệp thành viên.
Đánh giá về tiềm năng phát triển của thị trường dầu tại Việt Nam, Đại sứ Ibnu Hadi chia sẻ - dữ liệu phân tích chỉ ra mức tiêu thụ dầu thực vật tại VN mới chỉ đạt 12,5 kg/ đầu người, thấp hơn trung bình quốc tế là 13,7 kg/ đầu người. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng tiêu dùng đối với dầu thực vật ở VN đang có mức tăng trưởng ở mức 5-6%/ năm…
Ngài đại sứ cho rằng, với thực tế đó cùng mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước và giao thương thương mại lên đến 9 tỷ USD năm 2019, ông hy vọng thương mại và đầu tư hai chiều sẽ có những kết quả tích cực, mang lại lợi ích cho cả hai bên…
Tham tán Kinh tế Masriati Lita S.Pratama nhận xét về tốc độ tăng trưởng của ngành dầu cọ Indonesia tại thị trường Việt Nam và cho rằng còn rất nhiều cơ hội cho các DN trong lĩnh vực này hợp tác. Bởi trong nhóm hàng nhập khẩu từ Indonesia, dầu cọ đứng ở vị trí thứ sáu trong năm 2019 nhưng đã nhanh chóng leo lên vị trí thứ tư vào nửa đầu năm nay, tăng 34,88%. Có rất nhiều yếu tố giúp ngành dầu thực vật tại Việt Nam phát triển, bao gồm tốc độ tăng trưởng GDP cao, dân số đông…; do đó, bà Masriati Lita S.Pratama lạc quan về tiềm năng mở rộng của hàng hoá nhập khẩu Indonesia tại thị trường Việt Nam.
Bà Masriati Lita S.Pratama khẳng định, ĐSQ Indonesia vẫn luôn nỗ lực hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp hai nước, tổ chức những buổi thảo luận kinh doanh, sự kiện, hội chợ giới thiệu và quảng bá các sản phẩm Indonesia tới người dân và doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, vì tình hình của đại dịch Covid-19 trong năm nay, ĐSQ đã phải chuyển sang tập trung vào các hội nghị và toạ đàm trực tuyến để đảm bảo an toàn.
Từ đầu cầu Indonesia, Chủ tịch Hiệp hội Dầu cọ Indonesia Joko Supriyono chia sẻ: “Dầu cọ là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Indonesia sang hơn 100 quốc gia, lớn nhất trong đó là Trung Quốc, Ấn Độ, Liên minh châu Âu (EU). Mặc dù hiện chỉ chiếm thị phần nhỏ, nhưng Việt Nam là một trong những thị trường mới tiềm năng nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ…” Chủ tịch Hiệp hội Dầu cọ Indonesia hy vọng, chính phủ hai nước cũng như các ĐSQ sẽ là cầu nối giúp DN mở rộng cơ hội hợp tác thông qua các sự kiện, hoạt động xúc tiến thương mại, bên cạnh đó tạo điều kiện thuận lợi về mặt chính sách hỗ trợ các DN xuất nhập khẩu.
Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó Chủ tịch thường trực VACOD cho biết, thị trường dầu thực vật tại Việt Nam có tính cạnh tranh cao, cả về sản xuất nội địa và nhập khẩu nước ngoài, trong đó, đã có những mối quan hệ hợp tác lâu năm với các DN từ Malaysia hay Thái Lan. Bên cạnh đó, dầu cọ còn khá mới mẻ với người tiêu dùng VN bởi có rất nhiều nhóm dầu thực vật khác như dầu olive, dầu đậu nành, dầu hướng dương … được ưa chuộng. Bà hy vọng trong tương lai, mặt hàng dầu cọ sẽ được chú ý hơn nhờ vào sự thúc đẩy quảng bá giữa hai nước, đồng thời nhận được hỗ trợ về mặt giá cả từ phía DN Indonesia. Mong rằng, Indonesia và Việt Nam sẽ có những sáng kiến hợp tác, tăng cường hơn nữa xúc tiến thương mại để có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất quốc tế khác.
Trao đổi với các DN trong Hiệp hội Dầu cọ Indonesia, bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Trưởng ban đối ngoại Tổng công ty Hapro cho rằng, tuy các con số trên dữ liệu còn thấp, nhưng xu hướng sẽ được cải thiện trong tương lai. Để có thể đạt được kỳ vọng này, về phía DN Indonesia cần tập trung hơn vào các phương thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm… bởi dầu cọ còn khá mới mẻ tại Việt Nam, người tiêu dùng chưa thể phân biệt và hiểu được điểm mạnh trong các sản phẩm dầu cọ Indonesia. Bà khuyến khích các DN đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động quảng bá, trao đổi thông tin bằng hình ảnh, văn bản, video, sản phẩm thực tế thông qua truyền thông, hội chợ thương mại, sự kiện xúc tiến đầu tư ….