Vẫn còn nhiều “nút thắt” trong xử lý nợ xấu

Theo nhiều chuyên gia, qua thực tiễn hoạt động, việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD nói chung và VAMC nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Vẫn còn nhiều “nút thắt” trong xử lý nợ xấu

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa phối hợp với Văn phòng Quốc hội, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo “Xử lý nợ xấu – Những nút thắt cần tháo gỡ”.

Xử lý nợ xấu là nhiệm vụ cấp bách

Hiện nay, nợ xấu và xử lý nợ xấu là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả cộng đồng xã hội. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách để có thể khơi thông những ách tắc trong nền kinh tế, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển. Xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu không chỉ là mong muốn của ngành Ngân hàng mà còn là mong muốn của cả hệ thống chính trị.

“Đúng là ngành Ngân hàng phải chịu trách nhiệm về nợ xấu, tuy nhiên nguồn gốc của nợ xấu là do các doanh nghiệp, hộ gia đình vay vốn nhưng không trả được nợ vay, vì cả nguyên nhân khách quan và chủ quan”- NHNN đánh giá.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, nợ xấu không phải do một mình hệ thống ngân hàng gây ra mà do nhiều nguyên nhân. Bởi vậy không để một mình ngành Ngân hàng "loay hoay" xử lý nợ xấu, nợ xấu càng chậm được xử lý, càng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế. Do vậy cả xã hội cần chung tay cùng hệ thống ngân hàng để xử lý nợ xấu, coi xử lý nợ xấu là trách nhiệm của toàn xã hội và cùng chung tay xử lý trên tinh thần công khai, minh bạch.

Nợ xấu xảy ra có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do khách hàng vay vốn. Các ngân hàng không phải là con nợ xấu, mà là chủ nợ xấu. Nợ xấu ngân hàng chủ yếu là số tiền do ngân hàng vay của dân chúng, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác và vay của Ngân hàng Nhà nước.

Đồng quan điểm này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO, cho rằng: “Nợ xấu ngân hàng chính là nợ của các doanh nghiệp và khách hàng khác không trả được cho ngân hàng. Thủ phạm chính của nợ xấu là doanh nghiệp. Nạn nhân chính của nợ xấu là ngân hàng. Và, cuối cùng, xét trên tổng thể, thì cả nền kinh tế đầy yếu kém và rủi ro vừa là thủ phạm, vừa là nạn nhân của nợ xấu”.

Ông Đức còn đánh giá, “nợ xấu gây thiệt hại, thất thoát cho tài sản của ngân hàng, tương tự như chủ nhà bị mất trộm. Đành rằng có một phần lỗi chủ quan, sơ suất, yếu kém, tiêu cực, sai trái của nạn nhân - chủ nợ. Nhưng thủ phạm chính là do kẻ trộm - con nợ, đã vay lấy được tiền và không chịu trả lại ngân hàng. Đáng tiếc là, trả giá cho điều đó, cứ mỗi thủ phạm đi tù thì lại kéo theo hàng chục nạn nhân”.

Thực tế, để xử lý nợ xấu, NHNN đã xây dựng, trình Bộ Chính trị, Chính phủ chấp thuận và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam” tại Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013. Từ cuối năm 2012 đến tháng 8/2016, các TCTD đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đốn đốc thu hồi nợ, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, nhận tài sản thay nghĩa vụ nợ, sử dụng dự phòng rủi ro...

Kết quả cho thấy, tính đến thời điểm 31/8/2016, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 548,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó chủ yếu là do các TCTD tự xử lý (chiếm 57,2%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 42,8%.

Nhiều “nút thắt”…

Đến nay có thể thấy, hành động xử lý nợ xấu đã rất tích cực, nhưng kết quả xử lý nợ xấu còn ít chuyển biến. Nhưng việc giảm nợ xấu mới chủ yếu là do trích lập, sử dụng dự phòng và chuyển sang VAMC. Theo nhiều chuyên gia, vấn đề mấu chốt, thực tế là thu hồi nợ, trong đó có việc bán nợ thật sự và phát mại tài sản bảo đảm thì còn rất hạn chế. Thực tiễn hoạt động việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD nói chung và VAMC nói riêng cũng còn gặp rất nhiều khó khăn.

Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC, có một số “nút thắt” trong hoạt động xử lý nợ xấu ở VAMC như: VAMC không có quyền chủ nợ đối với nợ xấu mua bằng Trái phiếu đặc biệt; việc tổ chức thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để xử lý nhằm thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn, công tác xử lý TSBĐ bị kéo dài. Bên cạnh đó, việc xác định giá khởi điểm để phát mại tài sản cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm được sự đồng thuận giữa TCTD, khách hàng và VAMC. Hay việc định giá khoản nợ chưa có quy định cụ thể, VAMC phải lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản để thu hồi nợ…

Nhiều chuyên gia cũng đánh giá, những khó khăn vướng mắc trong hoạt động xử lý nợ xấu do nhiều nguyên nhân, trong đó nổi cộm 4 vấn đề chính: Một là, các quy định pháp luật còn thiếu, chưa phù hợp để thúc đẩy hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu. Hoạt động xử lý tài sản bảo đảm có nhiều vướng mắc nếu không có sự hợp tác của khách hàng vay, bên bảo đảm. Bên nhận bảo đảm chỉ có thể thực hiện khởi kiện tại Tòa án để thu hồi nợ. Trong khi đó, thời gian giải quyết vụ việc tại Tòa án thường bị kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ xử lý nợ của TCTD, VAMC;

Hai là, VAMC thiếu những quy định đặc thù để có thể xử lý nhanh nợ xấu. Các quy định pháp luật hiện tại chưa tạo sự thông thoáng cho hoạt động của VAMC, thậm chí còn hạn chế quyền của VAMC khi thực hiện xử lý nợ thông qua các biện pháp như bán nợ, bán tài sản bảo đảm. VAMC không thực hiện được quyền chủ nợ đối với nợ xấu mua bằng TPĐB;

Ba là, thị trường thiếu những cơ chế điều tiết linh hoạt và hiệu quả trong hoạt động mua bán và xử lý nợ xấu nợ xấu, dẫn đến hệ quả không thu hút được các tổ chức, nhà đầu tư có tiềm lực tham gia vào hoạt động xử lý nợ tại Việt Nam. Việc bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài gặp một số vướng mắc vì theo quy định pháp luật hiện hành, việc nhận thế chấp, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất... đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế;

Bốn là, việc xử lý nợ chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ cán bộ, đảm bảo tính công khai minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện công việc. Hệ lụy dẫn đến những hạn chế không khuyến khích TCTD, VAMC tích cực triển khai công tác xử lý nợ.

Doanh nghiệp và TCTD là những chủ thể chính trên thị trường, giải quyết nợ xấu nhanh chóng sẽ cải thiện được năng lực tài chính của các ngân hàng, các doanh nghiệp giảm được chi phí hoạt động và có cơ hội phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của chính mình.

Các chuyên gia cho rằng, kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, việc giải quyết nợ xấu càng chậm sẽ dẫn đến chi phí để xử lý nợ càng lớn. Quá trình xử lý nợ xấu kéo dài cũng tác động đến hệ số tín nhiệm quốc gia, gây ảnh hưởng lớn tới môi trường đầu tư.

Theo VOV NEWS

Có thể bạn quan tâm

Lãi suất huy động ngân hàng ACB: Đi ngang trong tháng 11/2024

Lãi suất huy động ngân hàng ACB: Đi ngang trong tháng 11/2024

Khảo sát đầu tháng 11 cho thấy, biểu lãi suất huy động được ngân hàng ACB tiếp tục duy trì ổn định tại tất cả các kỳ hạn. Do đó, khung lãi suất hiện đang dao động trong khoảng 2,3 – 4,5%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng đến 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ…

Ngân hàng Sacombank giữ nguyên biểu lãi suất tiết kiệm trong tháng 11/2024

Ngân hàng Sacombank giữ nguyên biểu lãi suất tiết kiệm trong tháng 11/2024

Sang tháng mới, ngân hàng Sacombank duy trì ổn định khung lãi suất huy động cả hình thức gửi tiết kiệm truyền thống và trực tuyến. Theo đó, khách hàng gửi tiết kiệm truyền thống được hưởng lãi suất trong khoảng 2,8 – 5,2%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 1 tháng đến 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ…

Cập nhật biểu lãi suất huy động ngân hàng HDBank tháng 11/2024

Cập nhật biểu lãi suất huy động ngân hàng HDBank tháng 11/2024

Qua so sánh, biểu lãi suất tiền gửi ngân hàng HDBank trong tháng này được duy trì ổn định so với cùng kỳ. Do đó, 3,35 - 8,1%/năm là khung lãi suất được áp dụng khách hàng cá nhân, kỳ hạn 1 tháng đến 36 tháng, hình thức lĩnh lãi cuối kỳ…

Ngân hàng BIDV duy trì khung lãi suất huy động trong tháng 11/2024

Ngân hàng BIDV duy trì khung lãi suất huy động trong tháng 11/2024

Theo khảo sát mới nhất, khung lãi suất tiết kiệm ngân hàng BIDV dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp không có sự thay đổi so với tháng trước. Qua so sánh, 4,7%/năm là mức lãi suất cao nhất được áp dụng cho các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ…

Tăng trưởng lành mạnh và bền vững, TPBank báo lãi gần 5.500 tỷ đồng

Bức tranh lợi nhuận tươi sáng của TPBank

Cuộc đua trong lĩnh vực ngân hàng ngày càng trở nên khốc liệt, tuy nhiên TPBank vẫn luôn giữ vững vị thế, với kết quả kinh doanh quý 3, một lần nữa khẳng định năng lực cạnh tranh vượt trội của ngân hàng này...