Vấn nạn thuốc, thực phẩm chức năng giả và giải pháp từ những doanh nghiệp tiên phong

Trước thực trạng thuốc và thực phẩm chức năng giả đã gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy và đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn với công nghệ ngày càng tinh xảo, nhiều DN đã nhanh nhạy đưa ra nhiều giải pháp cũng như ứng dụng các công nghệ tiên tiến khác nhau để "tự cứu mình".

Tội phạm làm giả thuốc ngày càng gia tinh vi

Phát biểu tại hội thảo “Thuốc giả và thực phẩm chức năng giả - Hiện trạng và giải pháp”, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tổ chức, ông Phạm Quang Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ chống hàng giả Việt Nam cho biết, thuốc giả và thực phẩm chức năng giả đã tồn tại rất lâu, gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy và đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn, công nghệ ngày càng tinh xảo hơn, nhưng các giải pháp để chống lại vấn nạn này đến nay vẫn chưa có hiệu quả cao.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết thêm, hàng loạt các vụ án trong ngành Y tế trong thời gian vừa qua, điển hình là vụ án của Việt Á và VN Pharmar cho thấy, lợi nhuận của ngành dược rất lớn là một trong những nguyên nhân khiến loại tội phạm làm giả các sản phẩm thuốc và thực phẩm chức năng ngày càng gia tăng và chưa có hồi kết.

Đáng lo ngại, ông Nguyễn Đức Lê cho hay, nguy hiểm nhất, khó kiểm soát nhất không phải là hàng giả sản xuất trong nước, mà đặt sản xuất giả luôn từ nước ngoài rồi vận chuyển về. Nhiều đơn vị nhập khẩu, có tờ khai, nhưng thực tế là đặt làm giả ở nước ngoài, tinh vi hơn rất nhiều. Trong khi đó, việc kiểm soát là hậu kiểm, và chi phí cho giám định rất lớn.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Lê, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người. Người bệnh dùng thuốc giả, cơ hội chữa bệnh mất đi, sức khỏe giảm sút. Với doanh nghiệp làm ăn chân chính, bị ảnh hưởng thương hiệu, nền kinh tế cũng bị giảm uy tín, khi chúng ta hội nhập mà sản phẩm bị làm giả sẽ khó thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, thuốc và thực phẩm chức năng là các sản phẩm mang tính chất đặc thù. Bằng phương pháp thông thường, không thể phát hiện thật giả một cách chính xác. Việc kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc... là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật giả của một sản phẩm.

Lời khuyên của chuyên gia

Dưới góc độ bảo vệ người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam chia sẻ, bên cạnh những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh làm ăn nghiêm túc, vẫn còn không ít tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở pháp luật và sự cả tin của người tiêu dùng để bán hàng với giá cao, chất lượng không bảo đảm, bán hàng giả.

“Hành vi vi phạm diễn ra dưới nhiều hình thức với quy mô, tính chất khác nhau. Có vụ hàng trăm thùng thực phẩm chức năng, nhãn ghi xuất xứ Mỹ nhưng thực tế sản xuất ở Hải Dương. Có vụ trên 3.780 lọ thực phẩm chức năng dạng viên nang, nhãn ghi sản xuất tại Mỹ, nhưng thực tế tại Trung Quốc...”, ông Hùng cho biết.

Ông Hùng kiến nghị cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước, phát hiện, xử lý kịp thời và đúng pháp luật các hành vi vi phạm. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, vì sự phát triển bền vững của chính mình, cần bảo đảm các quyền của người tiêu dùng và người tiêu dùng chỉ nên mua thuốc, thực phẩm chức năng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cần có tư vấn khi sử dụng.

Ông Nguyễn Đức Lê thì cho rằng, cần phải có những công cụ, giải pháp được pháp luật thừa nhận được áp dụng một cách triệt để có thể hỗ trợ cho cơ quan quản lý thị trường dễ dàng hơn khi thực thi nhiệm vụ, hóa giải những khó khăn tồn đọng, đồng thời chúng tôi có cơ sở để đánh giá, xác minh độ thật giả của của hồ sơ sản phẩm, tránh trường hợp bị cho là làm khó doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

“Bên cạnh việc nỗ lực đấu tranh chống hàng giả của các lực lượng chức năng, việc doanh nghiệp tự bảo vệ thương hiệu sản phẩm của mình, thì nâng cao ý thức toàn dân là một giải pháp hữu hiệu” - ông Lê nói.

PGS TS Lê Văn Truyền – Chuyên gia cao cấp (Dược học), Chủ tịch Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc (Bộ Y tế) cho rằng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, giới tội phạm đã sử dụng công nghệ cao trong sản xuất và buôn bán hàng giả, các nhà quản lý và sản xuất cũng cần sử dụng các công nghệ tiên tiến khác nhau để tự bảo vệ sản phẩm của mình. Cụ thể như: công nghệ chuỗi khối truyền tải dữ liệu an toàn trên hệ thống mã hóa (Blockchain), internet vạn vật (IoT: Internet of Things), nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID: Radio Frequency Identification), xử lý ảnh kỹ thuật số (IP: Image Processing)… Đặc biệt RFID, sử dụng trường điện từ tự động nhận dạng và theo dõi các thẻ hỗ trợ được gắn vào sản phẩm để theo dõi sản phẩm từ khâu sản xuất và quá trình phân phối đến tận người tiêu dùng (end user) là hết sức có hiệu quả.

“Khi giới tội phạm, với lợi nhuận kếch xù của các hoạt động buôn lậu và hàng giả, không ngần ngại đầu tư sử dụng công nghệ cao trong sản xuất và buôn bán hàng giả, nếu các nhà quản lý và doanh nghiệp chân chính không sử dụng các giải pháp công nghệ cao hơn thì cuộc chiến chống hàng giả khó giành được kết quả mong muốn để bảo vệ người tiêu dùng” – ông Truyền khẳng định.

Giải pháp từ doanh nghiệp

Là một doanh nghiệp khá nhanh nhạy trong việc đưa ra các giải pháp công nghệ thông tin giúp các nhà sản xuất chân chính tăng uy tín cho doanh nghiệp mình và tăng niềm tin cho các nhà tiêu dùng, ông Nguyễn Hữu Khánh – Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bưu điện khu vực Nam sông Hồng, Tổng công ty CP Bảo hiểm Bưu Điện cho biết, trước vấn nạn thuốc giả và thực phẩm chức năng giả đã gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy và đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn với công nghệ ngày càng tinh xảo hơn, chúng tôi có giải pháp hướng vào việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm, giúp các sản phẩm của doanh nghiệp dễ dàng xuất khẩu ra thị trường thế giới cũng như tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Vấn nạn thuốc, thực phẩm chức năng giả và giải pháp từ những doanh nghiệp tiên phong ảnh 3“Giải pháp của chúng tôi áp dụng công nghệ Blockchain để truy xuất nguồn gốc, truy xuất hợp đồng bảo hiểm và sau này là giải quyết bồi thường. Chúng tôi áp dụng công nghệ này để người dùng thuận lợi trong việc kiểm tra thông tin hàng hoá đến việc hưởng các quyền lợi nhanh chóng khi không may xảy ra các tổn thất” – ông Khánh nói.

Kinh doanh sâm Ngọc Linh, là loại sâm quý hiếm được mệnh danh “báu vật đại ngàn” của nước Việt Nam, nhưng Công ty TNHH Tập đoàn Y – Dược Sâm Ngọc Linh VN (PN’S CHOICE) “gặp khó” trước tình trạng sản lượng khan hiếm cùng với lợi ích kinh tế khiến loại sâm này trở thành dược liệu bị nhiều đối tượng làm giả hết sức tinh vi nhằm trục lợi bất chính.

Theo TS-BS Nguyễn Thị Anh Vân, có đến 90% sâm giả trên thị trường, điều này dẫn đến hệ lụy rất lớn đối với bảo vật Quốc gia một khi khách hàng quay lưng lại với sâm Ngọc Linh vì vấn nạn làm giả.

Với mong muốn lưu giữ quốc bảo được trọn vẹn, mang lại lợi thế cạnh tranh to lớn trên thị trường sâm quốc tế cũng như thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng về niềm tin mà khách hàng đã gửi gắm cho doanh nghiệp, thương hiệu PN’S CHOICE – Công ty TNHH Tập đoàn Y – Dược Sâm Ngọc Linh VN đã tiên phong gắn chip TrueData cho toàn bộ hệ thống. Đây là bước đột phá về công nghệ chống giả nhằm lấy lại uy tín cho Quốc bảo.

“Mỗi cây sâm Ngọc Linh được gắn chip ghi lại toàn bộ quá trình chăm sóc từ vườn ươm, cho đến khu trồng. Mỗi cây được gắn chip TrueData để theo vết. Bà con nông dân mua giống từ PN’S CHOICE sẽ được đảm bảo nguồn gốc cây giống thật và được bảo hiểm nếu cây giống không đúng chất lượng” – Đại diện PN’S CHOICE nói.

Đại diện PN’S CHOICE cũng cho biết thêm, nguyên liệu chế biến được bộ phận thu mua dùng công nghệ TrueData để kiểm tra chính xác nguyên liệu được trồng từ cây giống do chúng tôi cung cấp. Toàn bộ quy trình này được giám sát chặt chẽ và không có sự trộn lẫn với các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm