Nói về một số bức xúc của người dân tại một số trạm thu phí BOT, ông Kiên nhìn nhận một việc làm bao giờ cũng có ý kiến trái chiều, đó là chuyện bình thường.
Tuy nhiên ông cũng lưu ý: "Đừng vin vào cớ người dân bức xúc mà phủ một màu đen lên những thành tích chúng ta đạt được trong thời gian qua".
"Trong khoảng 70 dự án BOT hiện nay có trên 50 dự án được đưa vào khai thác, sử dụng" - ông Kiên cho hay.
Chỉ 8% điểm thu phí gây bức xúc
Theo Phó chủ nhiệm UB Kinh tế, phản ứng của người dân vừa qua mà báo chí phản ảnh chỉ mới nhìn theo một hướng, chưa phản ánh đúng bản chất, xu thế của các dự án BOT hay PPP (đối tác công tư).
“Nếu tính số điểm thu phí đang triển khai trên toàn quốc với những điểm thu phí mà có sự bức xúc của người dân, thì số điểm gây bức xúc chỉ rơi vào khoảng 8% so với những điểm hiện nay chúng ta đang lập trạm thu phí”, ông cho hay.
“Nếu đúng như lâu nay báo chí phản ánh, thì tôi cho rằng không nên làm BOT. Làm một dự án mà cả ba chủ thể (người dân, nhà đầu tư, nhà nước) đều kêu thì tốt nhất không làm”, ông Kiên nhấn mạnh.
Ông cũng khẳng định thực tế không giống như vậy và cần phải phải nghe cả hai phía, người bán hàng và mua hàng là nhà đầu tư làm tuyến đường BOT và người sử dụng.
Nếu người mua hàng không đồng tình, có thể chọn đi đường không có BOT vì hầu như với tất cả các tuyến đường BOT đều có sự lựa chọn.
“Nếu không chọn tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thì ta đi đường 5, chúng ta không đi cao tốc Hà Nội - Lào Cai thì ta đi QL 70, QL 32”, ông Kiên dẫn chứng.
Theo ông Kiên, việc tính phí chỉ có tính chất tương đối, không phải tuyệt đối. Trong khi những người bức xúc thường lấy phần đoạn đường mà họ đi ngắn nhất trên cả một cung đường dài để “kêu”.
“Bức xúc của người dân là dễ hiểu, nhưng các cơ quan quản lý nhà nước và báo chí phải có trách nhiệm nói đúng và đủ, phản ảnh thực tế, khách quan”, ông Kiên lưu ý.
Ông cũng nhìn nhận trong BOT, không phải các cơ quan quản lý nhà nước đều đúng cả, có dự án cũng sai.
“Nhưng trong 70 dự án BOT triển khai thì chỉ có một vài dự án có sai sót, còn các dự án khác đều không có vấn đề gì”, ông Kiên khẳng định.
Dù BOT trong thời gian qua có bất cập nhưng Phó chủ nhiệm UB Kinh tế ghi nhận Chính phủ đã có sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện, bất cập đến đâu bổ sung quy định pháp luật đến đó.
Tuy nhiên ông cũng lưu ý điểm yếu của quá trình là tính pháp lý không cao, mới chỉ dừng ở nghị định.
Do đó, ông đề nghị nâng nghị định lên thành luật về đối tác công tư, quy định rõ về trình tự chọn dự án thế nào, và tổ chức ra sao. Đặc biệt, trong luật phải thể hiện được quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, ông nhấn mạnh.
Với các dự án BOT hay PPP, đừng đem tư duy của Nhà nước để áp đặt. Bởi nếu tính như đầu tư công của Nhà nước thì Nhà nước phải bỏ tiền ra đầu tư, chấp nhận nhiều rủi ro như tăng trần nợ công...
Còn nếu huy động các nguồn vốn khác thì phải chấp nhận chia phần lợi nhuận của Nhà nước cho nhà đầu tư, nhưng phải giữ nguyên quyền lợi của người dân.
“Tiếc rằng lâu nay chúng ta vẫn chưa nhìn nhà đầu tư với con mắt là bạn đồng hành của Nhà nước mà vẫn nhìn với con mắt đó là 'gian tham' móc túi người dân, móc túi Nhà nước. Nếu vẫn nghĩ thế thì không có nhà đầu tư nào dám vào đầu tư”, ông nêu quan điểm.
QH đã chọn BOT là một trong những nội dung giao cho UB Thường vụ QH giám sát để báo cáo QH vào kỳ họp cuối năm.
Theo chương trình phiên họp thứ 13 của UB Thường vụ QH, ngày mai, Chủ nhiệm UB Kinh tế, Trưởng đoàn giám sát của UB Thường vụ QH sẽ bao cáo tóm tắt kết quả giám sát BOT, sau đó Thường vụ QH sẽ thảo luận.
Thu Hằng