Giá vàng SJC mở cửa sáng hôm qua đã bất ngờ bùng nổ, tăng thêm hơn 1 triệu đồng/lượng, nâng mức giá bán ra vượt ngưỡng 37 triệu đồng/lượng. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của biến động giá vàng quốc tế đêm hôm trước đã lên mức cao nhất từ đầu tháng 10, đạt xấp xỉ 1.300 USD/ounce.
Giá vàng thế giới tăng với nguyên nhân đầu tiên là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức 0,25-0,5%, khiến USD giảm giá, đẩy giá vàng (được định giá bằng USD) tăng lên. Nhưng đó không phải là nguyên nhân duy nhất.
“Lần đầu tiên trong cuộc chạy đua vào ghế Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đã vượt lên trên bà Hillary Clinton về khả năng thắng cử (46% so với 45%) đã khiến giới đầu tư lo ngại về những bất ổn trong các chính sách kinh tế chính trị của Mỹ. Vàng được tìm đến như một tài sản trú ẩn an toàn, cùng với đó là nhu cầu vàng vật chất đã hồi phục từ tháng 10 vừa qua. Giá vàng thế giới tăng đã tạo đà tăng cho giá vàng trong nước, thị trường đã xuất hiện lực mua mạnh”, vị lãnh đạo Ngân hàng TPBank cho biết khi trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán vào chiều ngày hôm qua.
Đối với giá vàng trong nước sáng hôm qua, có một điểm đáng chú ý trong ngày tăng giá đột biến đó là, các thương hiệu vàng để một “độ doãng” rất lớn hơn 730.000 đồng/lượng giữa giá niêm yết mua/bán. Đây là chỉ báo quan trọng về mức độ rủi ro khi giá vàng có thể quay đầu giảm nhanh chóng. Và điều này ngay lập tức được thể hiện trong buổi chiều khi vàng SJC quay đầu giảm mạnh ở mức 36-36.5 triệu đồng/lượng (mua-bán)
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận định: “Thị trường vàng sôi động chủ yếu là do giá vàng thế giới tăng mạnh, còn giá vàng trong nước cũng không biến động lớn, bởi từ trước đến nay vẫn có sự cách biệt này. Khi giá vàng thế giới lên thì giá vàng trong nước cũng ‘sốt ruột’, nhưng tôi cho rằng, thị trường vàng trong nước từ nay đến cuối năm sẽ ít biến động do có nhiều kênh đầu tư, người dân không còn chỉ tập trung vào vàng như trước đây”.
Tỷ giá không có yếu tố gây đột biến
Mặc dù giá trị USD giảm, đẩy giá vàng tăng trên thị trường thế giới, nhưng khác với thị trường vàng, tỷ giá giao dịch của thị trường hôm qua vẫn khá ổn định.
Tỷ giá trung tâm áp dụng cho ngày 3/11/2016 là 22.018 đồng/USD, giảm 9 đồng so với ngày 2/11. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng ngày 3/11 là 22.678 đồng/USD và tỷ giá sàn là 21.357 đồng/USD. Tại Vietcombank giữ niêm yết mua vào/bán ra ở mức 22.285-22.355 đồng/USD, không đổi cả 2 chiều so với ngày đầu tháng; VietinBank giao dịch mua vào-bán ra ở mức 22.290-22.360 đồng/USD, giảm 5 đồng/USD cả 2 chiều so với ngày 2/11.
Theo báo cáo tình hình kinh tế tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, sau một thời gian dài duy trì khá ổn định và ít biến động, kể từ giữa tháng 8, tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh tăng, tính đến 26/10, được niêm yết ở mức 22.030 VND/USD, tăng khoảng 0,6% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá liên ngân hàng và thị trường phi chính thức tiếp tục duy trì sự ổn định.
Nguyên nhân tăng của tỷ giá trung tâm, theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, là do một số đồng tiền chủ chốt trong giỏ tính tỷ giá giảm giá so với USD, đặc biệt là Nhân dân tệ và bảng Anh. Ngoài ra, động thái đón trước nhu cầu ngoại tệ có thể tăng trở lại theo yếu tố mùa vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán về cuối năm và khả năng Fed tăng lãi suất vào tháng 12.
Ở góc độ thị trường, ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho rằng, nhận xét tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh tăng từ tháng 8 đến nay là chưa chính xác.
Theo số liệu thì tỷ giá có biến động, nhưng với mức 0,6% là rất nhỏ. Bởi, với các đồng tiền khác trong khu vực và trên thế giới thì mức biến động này có thể diễn ra trong một ngày giao dịch. Tỷ giá trung tâm là tỷ giá định hướng, được tính toán dựa vào nhiều tham số và cung cầu trong nước chỉ là một trong số đó. Các tham số khác nếu đến từ thị trường nước ngoài (giá trị các đồng tiền mạnh chủ chốt, cán cân thương mại, đầu tư nước ngoài…) thì việc không phải lúc nào tỷ giá trung tâm cũng luôn tăng giảm cùng chiều với cung cầu ngoại tệ trong nước là hợp lý.
“Diễn biến trên thị trường cho thấy, tỷ giá đến cuối năm sẽ tiếp tục ổn định, bởi chưa xuất hiện nhân tố có khả năng gây đột biến”, ông Quang dự báo.