Giá vàng thế giới biến động trong phiên cuối tuần, với vàng giao ngay hiện được giao dịch lần cuối ở mức 2.322 USD/ounce, thấp hơn 10 USD so với mức đóng cửa cuối ngày 14/6.
Giá vàng đã hướng tới tuần tăng đầu tiên trong 1 tháng vào tuần trước, nhờ các tín hiệu lạm phát chậm lại ở Mỹ làm gia tăng hy vọng cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. Bên cạnh đó, tình trạng bán tháo của thị trường chứng khoán Châu Âu cũng đã phần nào thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại quý.
Các nhà giao dịch và chuyên gia trong ngành cho biết, các đợt tăng giá chớp nhoáng của vàng cho thấy xu hướng sẽ tiếp tục diễn ra trong nửa cuối năm 2024 do kịch bản cơ bản về vàng miếng vẫn được giữ nguyên, mặc dù mức 3.000 USD/ounce có vẻ ngoài tầm với.
Giới đầu tư tiếp tục đổ xô vào kim loại quý, do kỳ vọng về việc nới lỏng tiền tệ, căng thẳng địa chính trị ở châu Âu và Trung Đông và đáng chú ý nhất là hoạt động mua hàng của ngân hàng trung ương do Trung Quốc dẫn đầu.
Vàng hiện đang giao dịch quanh mức 2.300 USD/ounce, 1 tháng sau khi đạt kỷ lục 2.449 USD vào ngày 20/5. Giá vàng hiện đã tăng hơn 11% kể từ đầu năm đến nay.
Ruth Crowell, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thị trường Vàng thỏi London, nói với Reuters bên lề hội nghị Kim loại quý Châu Á Thái Bình Dương tại Singapore: “Có rất nhiều lý do thúc đẩy cho vàng trong thời điểm hiện nay và một trong những yếu tố chính là Trung Quốc. Xét đến tình hình kinh tế, thách thức bất động sản và thị trường chứng khoán, vàng là một lựa chọn an toàn mà các quốc gia đang hướng đến. Tôi nghĩ vàng vẫn sẽ nhận được sự quan tâm đáng kể”.
Các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc, đã tăng cường dự trữ vàng do tiền tệ mất giá và rủi ro địa chính trị - kinh tế.
“Nhu cầu đối với vàng vẫn rất lớn. Tôi dự đoán giá sẽ đạt vùng 2.600 - 2.700 USD/ounce một cách dễ dàng vào cuối năm nay”, Amar Singh - Trưởng bộ phận Kim loại - Châu Á Thái Bình Dương và Trung Đông tại StoneX nhận định.
Các nhà phân tích cũng chỉ ra, thời điểm cắt giảm lãi suất của Fed và cuộc bầu cử vào tháng 11 tại Mỹ có thể gây ra nhiều biến động trên thị trường. Trong khi hầu hết các nhà phân tích và nhà giao dịch vẫn lạc quan về vàng, khả năng kim loại quý vượt qua mức 3.000 USD/ounce có vẻ hơi xa vời trong thời điểm này.
Nikos Kavalis, giám đốc điều hành của Metals Focus cho biết: “Đây không phải là trường hợp có yếu tố nào đó kìm hãm giá vàng mà là con số 3.000 USD, đồng nghĩa với mức tăng 30% so với hiện tại, là quá lạc quan”.
Trong sáng nay, giá vàng trong nước không có nhiều thay đổi. Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM niêm yết ở mức 74,98 triệu đồng/lượng mua vào và 76,98 triệu đồng/lượng bán ra.
DOJI tại Hà Nội đang niêm yết giá vàng miếng ở mức 75,3 triệu đồng/lượng mua vào và 76,98 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 320.000 đồng/lượng ở chiều mua. Vàng thương hiệu này tại TP.HCM đang mua vào và bán ra ở mức tương tự như Hà Nội.
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện vào khoảng 3,6 triệu đồng/lượng.
Chính thức bắt đầu từ 17/6, Ngân hàng Agribank và Ngân hàng BIDV sẽ triển khai dịch vụ đăng ký mua vàng miếng trực tuyến trên website (người mua đặt lịch hẹn rồi tới chi nhánh để nhận vàng), tiếp nối động thái tương tự từ Vietcombank nhằm giải quyết tình trạng hàng dài người xếp hàng mua vàng tại các ngân hàng.
Tỷ giá trung tâm USD/VND hôm nay 17/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố mức 24.259 VND, tăng 10 VND so với phiên giao dịch ngày 14/6.
Với biên độ 5% so với tỷ giá trung tâm, tỷ giá được phép giao dịch của các ngân hàng thương mại dao động trong khoảng 23.047 - 25.471 VND/USD.
Tại Vietcombank, giá USD có mức mua vào là 25.201 VND và mức bán ra là 25.471 VND, tăng 10 VND ở cả hai chiều so với phiên giao dịch ngày 14/6. Eximbank có giá mua vào là 25.210 VND và bán ra 25.471 VND.
Trên thị trường tự do, giá USD sáng 17/6 được giao dịch ở mức mua vào 25.730 VND và bán ra ở mức 25.800 VND.