VDB sắp phải tuân thủ tỷ lệ đảm bảo an toàn

Từ năm 2020, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) sẽ phải tuân thủ một loạt quy định về giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động như các ngân hàng thương mại.
VDB sắp phải tuân thủ tỷ lệ đảm bảo an toàn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 07/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của VDB.

Theo đó, từ 1/1/2020, tổng mức dư nợ cấp tín dụng (bao gồm cả tín dụng đầu tư của Nhà nước) tính trên vốn tự có của VDB sẽ không được vượt quá 15% đối với một khách hàng, không được vượt quá 25% đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp các dự án đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

VDB cũng phải đảm bảo các quy định về tỷ lệ dự trữ thanh khoản, được tính bằng tỷ lệ phần trăm của tài sản có tính thanh khoản cao so với tổng nguồn vốn.

Cụ thể, kể từ ngày thông tư này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020 là 0,6%; kể từ ngày 1/1/2021 đến hết ngày 31/12/2022 là 1%; kể từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2024 là 1,5%; và từ 1/12025 là 2%.

Lý giải về việc đưa ra lộ trình trên, NHNN Việt Nam cho biết, nếu áp dụng ngày theo mức của NHTM, VDB sẽ khó có thể tuân thủ tỷ lệ này. Bởi tài sản có tính thanh khoản cao của VDB ít, chủ yếu là tiền mặt, vàng; tiền gửi tại NHNN và tiền gửi không kỳ hạn tại các TCTD, chi nhánh NHNNg khác ở trong nước và nước ngoài; trong khi VDB không có giấy tờ có giá sử dụng trong các giao dịch của NHNN.

Bên cạnh đó, nhu cầu dự trữ thanh khoản của VDB không cao do không tham gia nhiều các hoạt động thanh toán, dòng tiền luân chuyển ít, do đó việc yêu cầu duy trì dự trữ thanh khoản nhiều sẽ làm phát sinh thêm chi phí cho VDB.

Ngoài ra, VDB cũng phải tuân thủ quy định về tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng vốn huy động. Cụ thể, VDB được duy trì tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng vốn huy động ở mức 100% cho tới hết năm 2020; còn từ 1/1/2021 VDB chỉ được cho vay tối đa 95% tổng nguồn vốn huy động. Tổng dư nợ cho vay của VDB bao gồm: Dư nợ cho vay ngắn hạn hỗ trợ xuất khẩu; Dư nợ cho vay ngắn hạn chương trình đặc biệt của Chính phủ; Dư nợ cho vay trung hạn tín dụng đầu tư; Dư nợ cho vay trung hạn chương trình đặc biệt của Chính phủ; Dư nợ cho vay dài hạn tín dụng đầu tư; Dư nợ cho vay dài hạn chương trình đặc biệt của Chính phủ;  Dư nợ cho vay khác; Dư nợ các khoản nợ vay chờ xử lý.

Còn tổng vốn huy động bao gồm: Tiền gửi của tổ chức trong nước, nước ngoài; tiền vay Bảo hiểm xã hội Việt Nam, vay ngân sách Nhà nước, vay của các tổ chức tài chính, TCTD trong nước và nước ngoài; tiền huy động từ phát hành trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá khác.

Lý giải cho quy định trên, NHNN Việt Nam cho biết, quy định trên là phù hợp với đặc thù thực tế hoạt động của VDB. Đó là nguồn vốn huy động của VDB chủ yếu là Trái phiếu Chính phủ bảo lãnh, vay TCTD, tổ chức tài chính, ngân sách Nhà nước, không huy động từ dân cư.

Thứ hai, định hướng đã được Bộ Tài chính thống nhất về việc yêu cầu VDB phải nắm giữ lượng tài sản có tính thanh khoản cao so với quy mô tổng nợ phải trả để chủ động triển khai các giải pháp cần thiết đảm bảo an toàn chi trả, thanh khoản là 2%, tiến tới là 5%.

 >> Ngân hàng VDB có Tổng giám đốc mới

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...