Theo biểu lãi suất mới nhất từ các ngân hàng, trong tháng 11, ngoại trừ 4 ngân hàng lớn là Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank có mức lãi suất gần như không đổi thì hầu hết các ngân hàng khác đều có sự điều chỉnh ở mức cao, trung bình đạt hơn 8% cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Trong số gần 20 ngân hàng được khảo sát, lãi suất tiết kiệm cao nhất trong tháng 11/2019 hiện là 9,4%/năm. Đây là mức lãi suất được áp dụng tại ngân hàng SHB dành cho các khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng với kỳ hạn 13 tháng.
Tiếp đó là NCB với lãi suất cao nhất 8,8% cho tiền gửi 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. SCB và Viet Capital Bank áp dụng mức lãi cao nhất lên tới 8,76 và 8,7%/năm với các điều kiện tương ứng là số dư từ 10 tỷ trở lên, kỳ hạn từ 13 tháng và tiền gửi online từ 24 tháng trở lên.
Bên cạnh tiền gửi tiết kiệm truyền thống, các ngân hàng cũng có xu hướng phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao. Có thể kể đến như VIB phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng, trả lãi 12 tháng với lãi suất 9,1%, số tiền gửi tối thiểu 10 triệu đồng.
Tại VietABank, nếu gửi 13 tháng, lãi suất là 8,1%/năm, nhưng vào các đợt khuyến mãi, khách hàng gửi 7 tháng, cũng được lãi suất 8,3%; gửi 12 tháng, lãi suất là 8,7%; khách đến tại quầy, sẽ được tư vấn gửi theo chương trình khuyến mãi 15 tháng với lãi suất 8,95%/năm.
Baoviet Bank hạ mệnh giá chứng chỉ tiền gửi xuống rất thấp, khách dễ dàng tham gia với mức chỉ 1 triệu đồng. Lãi suất tại ngân hàng này khá hấp dẫn, tới 8,4% cho các kỳ hạn 6-15 tháng, khách được trả lãi cuối kỳ hoặc hằng quý. Tại Ngân hàng Sacombank, khách có thể mua chứng chỉ tiền gửi với mệnh giá chỉ 1 triệu đồng, thời hạn 84 tháng, được hưởng lãi suất 8,6%...
Đáng chú ý, hoạt động này chỉ diễn ra sôi nổi sau khi NHNN có lời nhắc nhở hồi cuối tháng 8/2019.
Theo một lãnh đạo ngân hàng, sở dĩ các ngân hàng đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi là do nhu cầu vay vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp và người dân hiện nay rất lớn, trong khi vốn huy động của ngân hàng lại đang tập trung chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn.
Động thái siệt chặt tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện nay của NHNN xuống 30% trong thời gian tới đã khiến các ngân hàng phải tăng huy động vốn trung, dài hạn.
Giải thích rõ hơn về xu hướng phát hành chứng chỉ thời gian gần đây của hệ thống ngân hàng, một chuyên gia cho biết,
chứng chỉ tiền gửi thường đi kèm với điều kiện không được rút trước hạn, thậm chí nhiều loại chứng chỉ tiền gửi chỉ được nhận lãi vào ngày đáo hạn. Trong khi gửi tiết kiệm kỳ hạn dài vẫn có thể rút trước hạn.
Do đó, nguồn vốn trung và dài hạn huy động bằng chứng chỉ tiền gửi sẽ có tính ổn định cao hơn so với tiền gửi tiết kiệm.
Tuy nhiên, NHNN cho rằng, việc tăng lãi suất này tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lý tiêu cực trên thị trường, có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ.