Mặc dù trước đó tập đoàn này đã có tờ trình gửi đến Ngân hàng Nhà nước xin tham gia đề án tái cơ cấu Sacombank với đề xuất mua 20% cổ phần của Sacombank, cũng như trù tính cả kế hoạch nhân sự tại ngân hàng này sau khi được xét duyệt và tham gia chính thức, và một số đề xuất khác.
Vậy, Tại sao Nova Group lại rút khỏi cuộc đua giành “ghế nóng” tại Sacombank ?
Rút kinh nghiệm từ bài học nhãn tiền tại thương vụ tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng với sự tham gia của ông Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh đã đẩy ngân hàng này tới thua lỗ nặng hơn, buộc Ngân hàng Nhà nước phải mua 0 đồng.
Theo báo cáo tài chính quý IV.2016, mục “Tài khoản có khác” của Sacombank có khoản phải thu tăng lên 43.741 tỷ đồng, trong đó lãi dự thu tiếp tục tăng lên 26.389 tỷ đồng. Báo cáo tài chính cũng cho thấy nợ xấu trong năm 2016 là 10.641 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 7.071 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng vọt 5,35% (tỷ lệ này chưa bao gồm khoản nợ xấu đã bán cho VAMC).
Với thực trạng hiện nay, Sacombank cần một cổ đông thật sự mạnh, có tiềm lực kinh tế, quan trọng là có tiền thật để tăng vốn điều lệ, xử lý nợ xấu và vực ngân hàng này dậy.
Vậy năng lực tài chính của Nova Group thế nào? Theo báo cáo tài chính quý IV.2016, tổng tài sản của Nova Group đạt 23.727 tỷ đồng, vốn điều lệ 5.961 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền là 2.153 tỷ đồng, trong đó có 1.680 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn. Lưu ý là số tiền này đang được dùng làm tài sản thế chấp.
Nếu nhìn vào những con số này, có thể thấy đây là tập đoàn tiềm lực, có thể làm cổ đông lớn của Sacombank. Tuy nhiên, nhìn vào quá trình hình thành và phát triển của Nova Group cho thấy có nhiều vấn đề cần suy nghĩ.
Thành lập từ năm 2007 với vốn điều lệ là 95,3 tỷ đồng, năm 2009 Nova Group tăng lên lên 1.200 tỷ đồng, năm 2014 tăng lên 2.300 tỷ đồng, năm 2015 là 3.682 tỷ đồng, năm 2016 lên 5.962 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 năm, Nova Group có 12 đợt tăng vốn, mà chủ yếu là từ năm 2014 tăng từ 2.300 tỷ đồng lên 5.962 tỷ đồng. Chỉ trong 2 năm vốn điều lệ tăng thêm 3.662 tỷ đồng.
Tổng tài sản cũng tăng với tốc độ thần tốc. Tổng tài sản tăng vọt từ 5.968 tỷ đồng lên 16.311 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2016 lên 22.002 tỷ đồng và cuối năm 2016 là 23.727 tỷ đồng.
Điều đáng lưu ý, trong giai đoạn 2015-2016, Nova Group đã thực hiện M&A hàng loạt dự án mới tại khu vực trung tâm các quận như quận 2, 4, 7 và Phú Nhuận, nâng tổng quỹ đất của hơn 40 dự án đang nắm giữ lên 9,8 triệu m2 sàn xây dựng. Đây chính là động lực làm tăng tổng tài sản của doanh nghiệp này. Điều đáng nói, đây toàn là dự án đang trong giai đoạn triển khai, chưa đi vào khai thác, vì vậy Nova Group rất cần tiền để tập trung cho những dự án này cho đúng tiến độ.
Một điểm đáng lưu ý, báo cáo tài chính quý IV.2016 cho thấy, Nova Group đang vay nợ ngân hàng hơn 8.000 tỷ đồng. Trong phần hàng hoá tồn kho thì bất động sản đang xây dựng là 2.110 tỷ đồng, còn hàng hoá bất động sản chỉ là 175 tỷ đồng, bất động sản đã xây dựng hoàn thành là 117 tỷ đồng.
Với tỷ lệ cổ phần mua lại là 20% vốn điều lệ, tương đương 180 triệu cổ phiếu và mua với giá 18.000 đồng/cổ phiếu, Nova Group sẽ phải chi 3.240 tỷ đồng để trở thành cổ đông lớn của Sacombank. Nhưng với nhu cầu tiền lớn để thực hiện dự án đang triển khai hiện nay, Nova Group lấy tiền mặt ở đâu để mua cổ phần của Sacombank?
Trước thông tin bất lợi nhưng phiên giao dịch ngày hôm nay (7/4), cổ phiếu STB vẫn bất ngờ tăng kịch trần với khối lượng khớp lệnh hơn 20 triệu đơn vị sau khi rung lắc mạnh trong buổi sáng.
Theo Dân Việt