Vì sao Techcombank lãi đột biến hơn 8.900 tỷ đồng trong 9 tháng?

Trong 9 tháng đầu năm 2019, Techcombank ghi nhận doanh thu đạt hơn 14.400 tỷ đồng, tăng trưởng 29% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận trước thuế đạt 8.000 tỷ đồng. Lợi nhuận tăng cao nhờ việc tiết giảm chi phí dự phòng, chi phí vận hành ở mức thấp.
Vì sao Techcombank lãi đột biến hơn 8.900 tỷ đồng trong 9 tháng?

Ngày 28/10, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, mã: TCB) đã chia sẻ thông tin về kết quả kinh doanh, tình hình tài chính cũng như lý giải về con số tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm nay.

Theo báo cáo tài chính, thu nhập lãi thuần của Techcombank trong 9 tháng qua đạt 10.100 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Dư nợ tín dụng tăng 12,5%, cao hơn mức trung bình của toàn ngành.

Thu nhập ngoài lãi tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 4.300 tỷ đồng và chiếm 30% doanh thu. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiết giảm mạnh tới 66% chi phí dự phòng rủi ro nhờ chất lượng tài sản lành mạnh và kiểm soát nợ xấu thấp ở mức 1,8% nhờ chiến lược quản trị rủi ro thận trọng.

Lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng ở mức 36,1% thấp hơn nhiều mức mà NHNN yêu cầu. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập vẫn ổn định ở mức 34,5%, giữ vững theo mục tiêu ban đầu của ngân hàng.

Huy động vốn của Techcombank đạt 218.700 tỷ đồng, giúp ngân hàng có được tỷ lệ cho vay trên tiền gửi đạt 70,9%, thấp hơn nhiều so với giới hạn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 80% và ngân hàng luôn có thanh khoản dồi dào.

Tại ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Techcombank đạt 367.500 tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2018, chủ yếu nhờ mức tăng trưởng cho vay ấn tượng đạt 28,4%.

Tỷ lệ an toàn vốn cuối kỳ theo Basel II đạt 16,5%, cao hơn gấp đôi so với yêu cầu tối thiểu của Trụ cột I Basel II.

Đến nay, Techcombank đang dẫn đầu ngành ngân hàng ở nhiều mảng hoạt động, đơn cử: dẫn đầu về phát hành và thanh toán thẻ Visa, ngân hàng dẫn đầu về thị phần trái phiếu, đứng đầu về số dư tiết kiệm không kỳ hạn (CASA) với con số 65.000 tỷ đồng, lần đầu tiên vượt qua Vietcombank và MB...

Về hiệu quả hoạt động, chỉ tiêu ROE đạt 17,2%, ROA đạt 2,8% chỉ thấp hơn Vietcombank tại thị trường Việt Nam, nhưng vượt trội so với các ngân hàng khu vực Ấn Độ - ASEAN.

Trong các mảng kinh doanh cốt lõi, Techcombank vài năm qua đã tập trung vào mảng kinh doanh bán lẻ giúp duy trì doanh thu rất tốt. Ông Phùng Quang Hưng cho biết, ngân hàng đẩy mạnh chiến lược tăng cường tín dụng bán lẻ, nhóm khách hàng SME, đồng thời giảm các tín dụng rủi ro cao (cho vay tiêu dùng tín chấp, thế chấp BĐS) chuyển sang cho vay mua nhà ở và mua ô tô ở phân khúc khách hàng có thu nhập khá và cao (chiếm 81%). Nhờ đó, đóng góp cho vay cá nhân chiếm 48% trong tổng cho vay.

“Kết quả kinh doanh cao đến từ việc quản trị hiệu quả hoạt động nhờ áp dụng công nghệ số hoá hiện đại. Đơn cử, số dư trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng 52% so với cùng kỳ, doanh số giải ngân tăng 100%... với việc số hoá hành trình vay vốn của khách hàng”, ông Hưng nói.

Theo lãnh đạo Techcombank, đây là quý thứ 18 liên tiếp ngân hàng có sự tăng trưởng lợi nhuận cùng các chỉ số tài chính lành mạnh, phản ánh hiệu quả kinh doanh cao. Kết quả này có được là việc xây dựng chiến lược tốt và kiên quyết thực hiện chiến lược đề ra, thực hiện chuyển đổi thành công nhiều mặt từ nhân sự, quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro, chuyển đổi ngân hàng số đúng nghĩa.

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...