VIB vượt 8.000 tỷ đồng lợi nhuận năm 2021, cao kỷ lục trong lịch sử

Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với lợi nhuận vượt 8.000 tỷ đồng, tăng trưởng 38% so với năm trước, tiếp tục nằm trong top đầu ngành về hiệu quả hoạt động với tỷ lệ ROE đạt 31%.
VIB vượt 8.000 tỷ đồng lợi nhuận năm 2021, cao kỷ lục trong lịch sử

Theo báo cáo tài chính quý III/2021, nhà băng này ghi nhận khoản lãi trước thuế 5.339 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm, như vậy, lợi nhuận quý IV/2021 của VIB ước đạt khoảng 2.661 tỷ đồng. So với số thu về trong quý IV/2020, mức lợi nhuận này cũng đã tăng 50%.

Với khoản lợi nhuận vượt 8.000 tỷ đồng kể trên, VIB đã ghi nhận năm kinh doanh hiệu quả nhất từ trước đến nay.

Ngoài ra, VIB cũng đã duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận bình quân năm lên tới 65% trong suốt 5 năm gần nhất (2017 - 2021). So với năm 2016, chỉ sau 5 năm hoạt động, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đã tăng hơn 11 lần.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết để ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục kể trên, trong năm 2021, tổng thu nhập hoạt động của VIB cũng đã tăng 33%, đạt gần 15.000 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi thuần là 12.000 tỷ, tăng 39%.

Lý do giúp khoản thu nhập lãi thuần tăng mạnh đến từ việc ngân hàng đã mở rộng được biên lãi ròng (NIM) đạt 4,4% trong năm thông qua tối ưu hóa chi phí sử dụng vốn (giảm đến 1,1% so với năm trước).

Bên cạnh đó, với thị phần dẫn đầu trong nhiều mảng dịch vụ như bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) và thẻ, tỷ trọng thu nhập từ phí của VIB cũng đóng góp gần 20% trong tổng thu nhập hoạt động.

Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản VIB ghi nhận gần 310.000 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt hơn 200.000 tỷ, tăng 19%. Tổng nguồn huy động đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 27%. Riêng tiền gửi CASA tăng trưởng bứt phá 55%, chiếm tỷ trọng trên 16% tiền gửi khách hàng.

Bán lẻ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 24% trong năm 2021, cho vay bán lẻ đóng góp gần 90% danh mục tín dụng trong đó 95% có tài sản đảm bảo. VIB tiếp tục khẳng định vị thế ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ thuộc top đầu thị trường, với danh mục chất lượng cao và tăng trưởng vững mạnh.

Nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế, cùng với việc các ngân hàng được nới hạn mức tín dụng trong giai đoạn cuối năm, đồng thời với chiến lược phát triển các sản phẩm và nền tảng số hóa mạnh mẽ của VIB, kết quả kinh doanh của ngân hàng bứt phá ấn tượng sau đại dịch, tiếp tục dẫn đầu ngành về hiệu quả hoạt động với tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 31%.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VIB đang ghi nhận xu hướng phục hồi tích cực sau giai đoạn dài suy yếu từ tháng 6/2021 đến đáy tháng 10 cùng năm.

Hiện thị giá VIB phổ biến giao dịch quanh mức 43.000 đồng/cổ phiếu, dù đã giảm 8% so với một tuần trước nhưng vẫn cao hơn 27% so với tháng 10/2021.

Nếu tính trong 1 năm gần nhất, thị giá cổ phiếu nhà băng này vẫn duy trì mức tăng trưởng gần 83%.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngân hàng nào "gặt hái" lợi nhuận lớn nhất quý 1/2025?

Ngân hàng nào "gặt hái" lợi nhuận lớn nhất quý 1/2025?

Động lực tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng được dự báo nhờ vào các yếu tố như tín dụng mạnh mẽ, đặc biệt là sự hồi phục của thị trường bất động sản, tín dụng tiêu dùng, cho vay nhà ở, cùng với sự phục hồi của nhóm khách hàng cá nhân…

Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì để điều hành lãi suất?

Ngân hàng Nhà nước sẽ làm gì để điều hành lãi suất?

Theo dự báo của ông Trần Ngọc Báu, Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ hạ lãi suất, hạ nhanh hay chậm thế nào phụ thuộc sẽ vào câu chuyện dịch chuyển vốn ngoại, và lãi suất ở đây là cả trên thị trường 1 (thị trường dân cư) và thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng)...