Việt kiều Nouvelle – Calédonie và Vanuatu: Yêu nước thương nòi

Ông Jean-Pierre Đinh Ngọc Riệm, thay mặt cho cộng đồng người Việt ở Nouvelle – Calédonie (Tân Thế Giới), vinh dự về Việt Nam tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX diễn ra trong hai ngày 6-7/12 tại Hà Nội.
Ông Jean-Pierre Đinh Ngọc Riệm làm việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến về việc thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa Noumea - Nouvelle Calédonie với tỉnh Nam Định.
Ông Jean-Pierre Đinh Ngọc Riệm làm việc với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Bạch Ngọc Chiến về việc thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa Noumea - Nouvelle Calédonie với tỉnh Nam Định.

Sự có mặt của đại diện Việt kiều Nouvelle – Calédonie trong Đại hội có sự tham dự của khoảng 1.800 đại biểu và 200 khách mời gợi nhắc lại một số hoạt động cụ thể và gương thi đua yêu nước của bà con Việt kiều ở Nouvelle – Calédonie và Vanuatu khi ở nước ngoài (khi đó Vanuatu chưa là quốc gia độc lập và có tên gọi là Nouvelles – Hébrides - Tân Đảo do Pháp và Anh cộng quản) và sau khi hồi hương.

Từ trước những năm 1960, cứ vào những ngày kỷ niệm, dịp lễ tết, những người “Chân đăng” Việt Nam (là những người đi phu mộ sang 2 địa phương này từ trước năm 1939) và con cháu thường tập họp nhau tại Hội quán Công nhân Việt Nam ở Nouvelle – Calédonie và tại Hội quán Việt Nam Công nông đoàn ở Nouvelles- Hébrides. Thời gian đó, vì ở xa đất nước nên hoạt động thi đua yêu nước của kiều bào hướng về Tổ quốc chủ yếu là dưới hình thức quyên góp tiền vào các dịp lễ Tết để ủng hộ các quỹ như: Quỹ Kháng chiến, Quỹ Kiến thiết, Quỹ Thương binh… gửi về Việt Nam. Gương yêu nước có các hoạt động khác đáng nhớ như : khoảng cuối những năm 50, ông Đinh Khắc Sách, Việt kiều Nouvelle – Calédonie là một công nhân phụ nề đã trả giá cao nhất trong cuộc bán đấu giá để mua một bộ ảnh màu về quê hương đất nước Việt Nam. Tập ảnh chỉ gồm hơn hai chục tấm ảnh cỡ 13cm x 18cm và ngày ấy lương của ông Sách chỉ có 10.000 frcs CFP/ tháng, vừa đủ ăn tiêu trong tháng, nhưng ông đã bỏ ra 8.000 frcs dành dụm được để chiến thắng trong cuộc đấu giá ấy nhằm ủng hộ “bên nhà”.

Trở về Tổ quốc vào những năm chiến tranh, tại Tuyên Quang đã có 2 cụ “Chân đăng” trước đây ở Vanuatu đã được chính thức công nhận là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đó là các cụ Phạm Thị Hoà (tức cụ Kích) - mẹ các liệt sỹ Phạm Bình Điến và Phạm Văn Phúc (tức Phạm Bình Phúc) và cụ Lại Thị Tỳ (tức cụ bà Đinh Văn Rỹ) - mẹ các liệt sỹ Đinh Danh Khoa và Đinh Danh Lợi.

Ngoài ra còn biết bao tấm gương yêu nước khác của anh chị em Việt kiều hồi hương là bộ đội, công an, có những người là thương binh, liệt sỹ đã đạt những thành tích và chiến công to lớn chưa thể thống kê hết…

Đầu những năm 60 còn hàng nghìn Việt kiều Nouvelle – Calédonie và Vanuatu từ bỏ cuộc sống đầy đủ so với trong nước để hồi hương trở về, đến những nơi rừng núi xa xôi, khó khăn gian khổ như: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Ninh… khai phá rừng hoang, lập cuộc sống mới, đồng cam cộng khổ cùng đồng bào trong nước.

Có người như ông Vũ Văn Mô, quê ở Thái Bình, đã bỏ tiền riêng ra ủng hộ quê hương xây dựng trường, lớp học mới kiên cố, lợp ngói khang trang cho con cháu thôn xã được đến học. Bên cạnh đó còn là rất nhiều thanh niên Việt kiều hồi hương đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành các “đôi tay vàng”, anh hùng lao động, chiến sỹ thi đua liên tục nhiều năm như các anh Trần Công Biên - Giám đốc Nhà máy Thiết bị Bưu điện Truyền thanh, anh Nguyễn Văn Minh, anh Nguyễn Văn Nhu ở Nhà máy ôtô 1-5 Hà Nội, anh Nguyễn Văn Bảo ở Công ty ô-tô xe khách Tuyên Quang, anh Nguyễn Văn Khoát đã mang huy chương vàng từ đại hội thể dục thể thao GANEFO của “các nước không liên kết” tổ chức tại Indonesia về làm rạng danh đất nước…

Con cháu các cụ “Chân đăng” đang ở Tân Thế Giới và Tân Đảo, từ trước đây cho đến sau này khi về thăm đất nước riêng lẻ hoặc theo đoàn, cũng vẫn tiếp nối tinh thần ấy, thể hiện những nghĩa cử yêu nước, hướng về Tổ quốc bằng nhiều hình thức khác nhau. Từ năm 2008, nhân chuyến về thăm quê hương, Hội Ái Hữu Việt Nam tại Tân Đảo đã giúp đỡ và đỡ đầu các trẻ em tàn tật làng Hoà Bình ở Hà Nội. Tiếp tục công việc này, tháng 7/2013, Hội tiếp tục giúp đỡ xây dựng, hoàn chỉnh khu nhà vệ sinh mới khang trang, chắc chắn, có các thiết bị tiện dụng cho các cháu làng Hòa Bình với chi phí hơn 250 triệu đồng do anh chị em kiều bào đóng góp. Trong ba tháng 7-9/2014, Hội Ái Hữu Việt Nam lại cử đại diện về Việt Nam xem xét công việc và chuyển số tiền bà con tiếp tục ủng hộ khoảng 5000 USD cho làng Hoà Bình cải tạo lại khu bể tắm và khu vệ sinh cũ ở các tầng 1 và tầng 2 thành hai phòng chức năng để điều trị cho các cháu tàn tật và khuyết tật của làng…

Chỉ vài hoạt động rất ít ỏi kể trên so với thực tế những năm tháng qua, nhưng cũng cho thấy được phần nào đạo lý “lá lành đùm lá rách”, “của ít lòng nhiều”, của Việt kiều ở Nouvelle – Calédonie và Vanuatu cùng những bà con đã hồi hương, luôn biểu thị tinh thần “yêu nước thương nòi” của mình bằng những hành động tự nguyện và thiết thực.

Phạm Văn Minh

Có thể bạn quan tâm

Rưng rưng hai tiếng "Kiều bào"

Rưng rưng hai tiếng "Kiều bào"

Ai đã từng có những tháng năm xa nước mới thấm thía thật sâu hai chữ quê hương. Ai đã từng trong cảnh cô đơn, buồn tủi nơi đất khách mới càng hiểu thấu hai tiếng Kiều bào.
Chủ tịch HALOVI Nguyễn Quốc Bình được cử tri nơi công tác tín nhiệm cao, giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Chủ tịch HALOVI Nguyễn Quốc Bình được cử tri nơi công tác tín nhiệm cao, giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV

Ngày 03/4, tại Trụ sở văn phòng Hội, Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hà Nội (HALOVI) đã tiến hành hội nghị cử tri nơi công tác để nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người tự ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021- 2026.
Người Việt ở Úc “một năm hai lần ăn Tết”

Người Việt ở Úc “một năm hai lần ăn Tết”

Đối với chị Lan sống tại thành phố Brisbane - thủ phủ của bang Queensland, giữ gìn văn hóa Việt cho các con là điều chị luôn tha thiết. Đặc biệt là khi Tết Việt đến, dù khi đó, nước Úc chớm vào… thu.
HALOVI - Nhịp cầu gắn kết kiều bào với quê hương

HALOVI - Nhịp cầu gắn kết kiều bào với quê hương

Thành lập ban đầu với tên gọi Hội Thân nhân người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hà Nội, đến năm 2008, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài thành phố Hà Nội (HALOVI) đã chính thức được thành lập.