Đây là một trong những hiệp định thương mại quan trọng bậc nhất nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hiệp định CPTPP chiếm 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường gần 500 triệu người với tổng kim ngạch thương mại vượt 10.000 tỷ USD. 11 thành viên tham gia ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
CPTPP vốn tiền thân là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP gồm 12 thành viên. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP vào Hiệp định này vào đầu năm 2017, quy mô của hiệp định giảm xuống. Tuy nhiên, 11 thành viên còn lại vẫn nỗ lực đàm phán và tiến tới ký kết CPTPP.
Trong đàm phán CPTPP kéo dài và nhiều khó khăn, sự tham gia tích cực của Việt Nam đã được nhiều nước thành viên đánh giá cao. Theo quy định, chỉ cần 6 trong tổng số 11 quốc gia thành viên thông qua là CPTPP sẽ có hiệu lực đầy đủ.
Phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Tôi đồng ý với Bộ trưởng của Chile rằng việc ký kết CPTPP là một thông điệp mạnh mẽ về thương mại tự do vì lợi ích của người dân các nước chúng ta, nhằm chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Về phía Việt Nam, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, và có thể trong phiên họp quốc hội cuối năm nay, chính phủ Việt Nam sẽ trình hiệp định để quốc hội xem xét và thông qua.
Ước tính, CPTPP sẽ được chính thức triển khai từ cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019. Các nước thành viên Hiệp định CPTPP sẽ giúp định hình tương lai kinh doanh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong nhiều năm tới dù không có sự tham gia của Mỹ.
Tại sự kiện ký kết CPTPP, Bộ trưởng 11 nền kinh tế cũng đã đưa ra tuyên bố chung. Tuyên bố Bộ trưởng CPTPP gồm có 4 ý chính. Thứ nhất các bên tuyên bố ký hiệp định. Thứ hai khẳng định CPTPP sẽ mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên. Thứ ba, là các Bộ trưởng khẳng định sau lễ ký sẽ về thực hiện các thủ tục trong nước để thông qua hiệp định, làm sao đưa hiệp định vào thực thi trong thời gian sớm nhất. Và ý cuối cùng của tuyên bố chung, là các Bộ trưởng CPTPP hoan nghênh tất cả các nước, các nền kinh tế quan tâm, bày tỏ ý định muốn tham gia Hiệp định CPTPP.
Theo ông Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam về kinh tế và thương mại quốc tế, tuyên bố chung lần khi nói về việc mở rộng CPTPP trong tương lai, thay vì nói "hoan nghênh sự tham gia" của các nước như vẫn dùng trước đây thì nói rằng đã "hoan nghênh sự gia nhập"; hàm ý rằng, các nền kinh tế muốn tham gia CPTPP thì phải "nhập gia tùy tục" tức là phải đồng ý với các tiêu chuẩn sẵn có, chứ không phải bày tỏ mong muốn tham gia; nhưng lại đòi đàm phán lại các điều khoản của Hiệp định CPTPP.
Hiệp định TPP 12 thành viên trước đây và CPTPP 11 thành viên hiện nay đều là những hiệp định mở, hoan nghênh các thành viên mới trên cơ sở "người đến sau" phải đồng ý với các tiêu chuẩn cao sẵn có của hiệp định.