Việt Nam đề xuất 13 ưu tiên cho Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEM)

Các ưu tiên này dựa trên 3 định hướng chính: Thúc đẩy liên kết và kết nối kinh tế khu vực nội khối ASEAN; Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững và Nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN.

Ngày 8/3, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra phiên họp trù bị của các quan chức Kinh tế Cao cấp (SEOM) ASEAN với sự tham dự của đại diện các quan chức kinh tế cao cấp các nước, Ban Thư ký ASEAN, Cộng đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (BAC) và các khách mời quốc tế...

Bộ Công Thương với tư cách điều phối kênh hợp tác kinh tế của Việt Nam trong ASEAN đã chủ trì và điều hành hội nghị. Phiên họp này nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEM) lần thứ 26, với nhiều nội dung quan trọng, dự kiến sẽ được rà soát, thông qua và tiếp tục triển khai trong Năm ASEAN 2020.

Điểm nhấn của phiên họp SEOM trù bị là 13 ưu tiên do Việt Nam đề xuất trong năm nước ta là Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ được đưa ra thảo luận tại AEM hẹp 26 trước khi thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm nay.

Các ưu tiên này cơ bản dựa trên 3 định hướng chính: Thúc đẩy liên kết và kết nối kinh tế khu vực nội khối ASEAN; Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững và Nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN.

Đặc biệt, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đoàn Việt Nam đã đưa ra đề xuất: ASEAN cần có hành động chung nhằm duy trì chuỗi cung ứng trong ASEAN, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn cung nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến sức khoẻ con người mà còn nền kinh tế của khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Tại phiên họp trù bị này, các quan chức kinh tế ASEAN cũng đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng để báo cáo lên AEM hẹp 26, bao gồm những nội dung như: thảo luận và thông qua các sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020; rà soát và thống nhất các ưu tiên thường niên năm 2020 của ASEAN trong kênh kinh tế; thảo luận nhằm tìm giải pháp cho các vấn đề còn tồn tại trong hợp tác nội khối ASEAN và ASEAN với các đối tác ngoại khối...

Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia xây dựng Cộng đồng AEC với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Thúc đẩy thực hiện các cam kết thành lập AEC luôn là một trong những ưu tiên cao nhất của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. ASEAN đã và đang là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm qua và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...