Việt Nam phấn đấu Top 15 về nông nghiệp hữu cơ vào năm 2030

Bộ NN&PTNT đang xây dựng dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030" nhằm đưa Việt Nam đứng trong top 15 của thế giới về nông nghiệp hữu cơ vào năm 2030.
Việt Nam phấn đấu Top 15 về nông nghiệp hữu cơ vào năm 2030

Theo dự thảo Đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030”, đến năm 2025, diện tích cây trồng hữu cơ đạt khoảng 1,5 - 3% tổng diện tích gieo trồng; chăn nuôi có  5 - 10% sản phẩm hữu cơ (riêng đối với ong và sản phẩm từ ong khoảng 40 – 50% hữu cơ); khoảng 2 - 3% diện tích nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn hữu cơ tương đương với 60.000 ha.

Đến năm 2030, diện tích cây trồng hữu cơ đạt khoảng 7 - 10% diện tích gieo trồng (riêng đối với các cây dược liệu, hương liệu và các sản phẩm từ thiên nhiên, diện tích hữu cơ đạt khoảng 40 - 50%), năng suất cây trồng hữu cơ đạt khoảng 95 - 100% năng suất cây trồng thường; vật nuôi có 5 - 10% sản phẩm hữu cơ; thủy sản có khoảng 7 - 8% diện tích tương đương với 100.000 ha cho sản lượng khoảng 500.000 tấn.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, trong các giải pháp triển khai đề án sẽ chú trọng đến giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia phát triển nông hữu cơ. Cùng với đó là xây dựng được hệ thống phân phối sản phẩm trên phạm vi cả nước để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng trong nước đang tăng cũng như hướng đến xuất khẩu.

Theo các đại biểu, hệ thống canh tác nông nghiệp hữu cơ đã và đang là xu hướng phát triển của nhiều quốc gia thế giới khi áp lực về lương thực giảm, áp lực vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường tăng. Tuy nhiên, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam vẫn đứng trước những thách thức, bởi chưa có cơ chế, chính sách đặc thù đủ mạnh để khuyến khích phát triển. Hệ thống chứng nhận, tiêu chuẩn, quy chuẩn, giám sát chưa hoàn chỉnh; các hộ sản xuất vẫn là tự nguyện…

Hiện, Việt Nam có tiêu chuẩn chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm hữu cơ; trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ cho một số sản phẩm như: gạo, chè, sữa nhưng  chưa có tiêu chuẩn đối với các sản phẩm: thủy sản, dược liệu, mỹ phẩm, rau, quả, cà phê, hồ tiêu… Bên cạnh đó, Việt Nam chưa có danh mục vật tư nông nghiệp đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… được phép sử dụng trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Việt Nam hiện có 40 tỉnh thành có trồng trọt hữu cơ với gần 23.400 ha. Diện tích sản xuất theo các tiêu chuẩn của EU, Mỹ, Nhật Bản… chiếm 97,5% diện tích trồng trọt hữu cơ; sản phẩm chủ yếu là rau, quả, chè.

Chăn nuôi lợn hữu cơ có 12 tỉnh thành có khoảng 64.200 con, sản lượng thịt hơi gần 6.000 tấn; chăn nuôi gà hữu cơ có ở 6 tỉnh với 273.000 con, sản lượng thịt hơi 922 tấn; chăn nuôi bò hữu cơ có 2 tỉnh là Nghệ An và Lâm Đồng được các tổ chức quốc tế công nhận với sản lượng 3.500 con.

Nuôi trồng thủy sản hữu cơ mới chỉ có rất ít địa phương triển khai và chủ yếu theo hướng hữu cơ và sinh thái, đối với khai thác và đánh bắt chủ yếu dựa vào tiềm năng mặt nước ao hồ tự nhiên. Hiện tại, cả nước có 4 tỉnh có mô hình nuôi trồng thủy sản hữu cơ với tổng diện tích 134.800 ha.

Theo đánh giá, quy mô sản xuất nông nghiệp  hữu cơ mới chỉ ở dạng mô hình nhỏ lẻ, quy mô nhỏ, chưa có vùng tập trung, sản phẩm ở dạng đơn lẻ… dù Việt Nam đứng ở vị trí thứ 39 về khối lượng xuất khẩu sang châu Âu với gần 13.000 tấn. 

Việc chứng nhận sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam có 3 hình thức chứng nhận là: Chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế, chứng nhận PGS, chứng nhận TCVN. Việt Nam có 50 doanh nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ USDA với nhiều sản phẩm như trà, hạt điều, dừa, artiso...; 18 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn USDA – NOP và 12 doanh nghiệp được chứng nhận theo tiêu chuẩn EC 834/2007.

Dự kiến trong quý IV/2019, dự thảo Đề án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ.

>> Thêm một loạt ưu đãi cho ngành nông nghiệp hữu cơ

Có thể bạn quan tâm