Việt Nam quyết tâm chống khai thác IUU

Việt Nam khẳng định quyết tâm của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai thực hiện các khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu đối với khai thác hải sản của Việt Nam.
Việt Nam quyết tâm chống khai thác IUU

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Bỉ, ngày 22/3, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường đã có buổi làm việc với ông Karmenu Vella, Cao uỷ phụ trách môi trường, hàng hải và thuỷ sản Liên minh châu Âu tại trụ sở Uỷ ban châu Âu ở Brussel, Bỉ.

Tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định cam kết của Việt Nam trong cuộc chiến chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Thời gian qua Việt Nam đã tập trung triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt các hành động theo 9 khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu (EC); từng bước chủ động trong việc xây dựng nghề cá theo hướng phát triển bền vững, một nghề cá có trách nhiệm và tuân thủ các quy định quốc tế.

Trong 5 tháng vừa qua, Việt Nam đã tập trung vào sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là Luật Thuỷ sản 2017 đã được Quốc hội thông qua; các nội dung về quy định quản lý nghề khai thác hải sản của quốc tế theo khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu đã cơ bản được nội luật hoá trong Luật Thuỷ sản 2017.

Trong khi Luật Thuỷ sản 2017 chưa có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh đã ban hành Chỉ thị, Công điện, Kế hoạch hành động để triển khai ngay các nội dung khuyến nghị mà Uỷ ban châu Âu đưa ra.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã vào cuộc rất quyết liệt và bước đầu đã mang lại kết quả đáng ghi nhận. Chính phủ đã đồng ý thành lập tổ công tác liên ngành; trong đó giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Tổ trưởng để chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, các bên có liên quan thực hiện kế hoạch hành động quốc gia chống khai thác IUU.

Các cơ quan chức năng đã tập trung vào việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cơ quan quản lý khai thác hải sản, doanh nghiệp, ngư dân... nhằm thay đổi nhận thức cũng như hành vi khai thác, mua bán và sử dụng hải sản khai thác IUU.

Ngài Cao uỷ đã ghi nhận nỗ lực của cả hệ thống chính trị của Việt Nam từ Trung ương đến địa phương, các ban ngành, hiệp đội, tới cộng đồng ngư dân đã chung sức chống lại khai thác IUU. Tuy nhiên, trong thời gian tới Việt Nam cần phải tiếp tục tích cực hơn nữa trong việc thực thi để đảm bảo có các kết quả rõ nét và mang tính bền vững hơn nữa.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mong muốn tăng cường sự hợp tác giữa hai bên trong việc chống khai thác IUU và đề nghị Uỷ ban châu Âu tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật để khắc phục các hạn chế, tồn tại và nhanh chóng đưa nghề cá Việt Nam theo hướng phát triển bền vững.

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tại Bỉ, ngày 21 và 23/3, Đoàn công tác kỹ thuật về chống khai thác IUU đã có 2 phiên đối thoại với Bộ phận IUU, Tổng vụ các vấn đề về biển và Thuỷ sản (DG-MARE) của EC tại Brussel.

Việt Nam khẳng định quyết tâm của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC đối với khai thác hải sản của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 45/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố ven biển đã ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU.

Đoàn Việt Nam đã cập nhật nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam trong thực hiện các khuyến nghị của EC trong 5 tháng vừa qua.

Đó là Việt Nam đã từng bước hoàn thiện khung pháp lý hướng tới quản lý nghề khai thác hải sản bền vững, có trách nhiệm và tuân thủ các quy định quốc tế. Luật Thuỷ sản 2017 đã cơ bản tiếp cận được với các quy định của quốc tế trong quản lý nghề khai thác hải sản.

Hiện tại, Việt Nam đang tập trung vào xây dựng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật Thuỷ sản. Theo kế hoạch các văn bản này sẽ được hoàn thành và có hiệu lực cùng thời điểm với Luật Thuỷ sản vào ngày 1/1/2019.

Việt Nam đã tăng cường việc giám sát tàu cá, tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển từng bước ngăn chặn, giảm thiểu và tiến tới loại bỏ khai thác IUU tại vùng biển nước ngoài.

Sau khi Việt Nam triển khai quyết liệt các giải pháp, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài giảm rõ rệt, đặc biệt là tàu cá vi phạm các nước quốc đảo Thái Bình Dương đến nay hầu như không có.

Hiện chỉ còn các vụ việc tàu cá và ngư dân bị bắt giữ, xử lý tại vùng biển lịch sử chồng lấn, tranh chấp do chưa được phân định rõ ràng giữa Việt Nam và các nước như Malaysia, Indonesia, Campuchia…

Các nhà máy, cơ cở chế biến, tiêu thụ sản phẩm đã đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc sản phẩm khai thác hải sản theo quy định để ngăn chặn nguyên liệu khai thác từ hoạt động khai thác IUU đi vào chuỗi sản xuất.

Việt Nam cũng đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền rộng rãi hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, người dân, cán bộ quản lý nghề cá đã nhận thức sâu sắc về chống khai thác IUU, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân đã được nâng cao.

Tổng vụ các vấn đề về biển và Thuỷ sản của EC đánh giá cao cam kết ở các cấp chính quyền của Việt Nam, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành các công điện, chỉ thị, quyết định với mục tiêu chống khai thác IUU. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố ven biển đã ban hành Kế hoạch triển khai các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU.

Ghi nhận những nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam trong việc thực hiện các giải pháp để dần đưa khai thác hải sản theo hướng bền vững, có trách nhiệm, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong nước, Việt Nam đã xác định rõ lộ trình gia nhập Hiệp định quốc gia có cảng của FAO và Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp quốc.

Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi khai thác IUU, đặc biệt là đã quy định các biện pháp xử phạt bổ sung như tước giấy phép khai thác, nâng mức phạt để đảm bảo tính răn đe...

Phía Tổng vụ các vấn đề về biển và Thuỷ sản của EC làm rõ những vấn đề phía Việt Nam cần quan tâm trong thời gian tới để tiếp tục khắc phục các khuyến nghị trước khi đoàn công tác của Tổng vụ sang đánh giá sau 6 tháng Việt Nam triển khai.

Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, Việt Nam cần đẩy mạnh thực thi có hiệu quả việc giám sát tàu cá trên biển thông qua việc xác định rõ lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá; quản lý đội tàu khai thác phù hợp với hiện trạng nguồn lợi hải sản; quản lý hiệu quả hệ thống đăng ký và cấp giấy phép khai thác hải sản; đẩy mạnh quản lý hoạt động khai thác hải sản tại các cảng cá; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử phạt để ngăn chặn các hoạt động khai thác IUU; tăng cường tuần tra trên biển để tiến tới chấm dứt hoàn toàn tàu cá Việt Nam khai thác IUU tại vùng biển nước ngoài.

Đại diện của Tổng vụ các vấn đề về biển và Thuỷ sản của EC cũng khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các kế hoạch, biện pháp chống khai thác IUU với Việt Nam dựa trên kinh nghiệm phối hợp với 50 quốc gia khác đã và đang chống khai thác IUU.

Đặc biệt, đối với với 2 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư đang trong quá trình xây dựng để hướng dẫn Luật Thuỷ sản 2017.

Tổng vụ các vấn đề về biển và Thuỷ sản của EC đề nghị phía Việt Nam chia sẻ dự thảo để có thể hỗ trợ kỹ thuật tốt hơn nhằm đưa các quy định của quốc tế về quản lý nghề cá vào các văn bản dưới luật.

Hai bên thống nhất kế hoạch tiếp theo về trao đổi thông tin, tài liệu, cũng như tiếp tục tổ chức đối thoại để chuẩn bị tốt cho đợt đánh giá vào tháng 5/2018 là thời điểm sau 6 tháng Việt Nam triển khai các khuyến nghị của EC.

Hai bên cũng thống nhất về thời gian và chương trình đoàn công tác của DG-MARE làm việc tại Việt Nam và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm.

Chuyến công tác đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. EC đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong 5 tháng triển khai các khuyến nghị của EC, đồng thời cũng ghi nhận những khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang gặp phải khi chuyển từ nghề cá nhân dân, quy mô nhỏ sang nghề khai thác hải sản có trách nhiệm, thực hiện các quy định của quốc tế.

Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, đào tạo nguồn nhân lực trong quản lý, nâng cao nhận thức và hành vi khai thác hải sản cho cộng đồng ngư dân… nhằm phát triển khai thác hải sản có trách nhiệm, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Theo Bnews

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...