Nội dung điều chỉnh thỏa thuận sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử dành cho khách hàng cá nhân được Vietcombank công bố trước đó gây ra nhiều tranh cãi. Bởi theo điều chỉnh này thì hầu hết trách nhiệm bảo mật được đẩy về phía khách hàng.
"Theo đó, Vietcombank quy định, khách hàng không truy cập dịch vụ từ bất cứ thiết bị nào kết nối với hệ thống máy tính cục bộ (hay mạng LAN) nếu không bảo đảm rằng không ai khác có thể theo dõi hay sao chép việc truy cập của khách hàng.
Khách hàng phải chịu trách nhiệm bảo đảm rằng thiết bị đầu cuối và các thiết bị khác mà khách hàng sử dụng để kết nối với các dịch vụ là không có và được bảo vệ chắc chắn khỏi virus cũng như các phần mềm máy tính gây hại…
Khách hàng cũng phải cam kết chịu trách nhiệm cho tất cả các tổn thất và chi phí do các giao dịch gian lận đã được thực hiện, nếu khách hàng đã hành động thiếu cẩn trọng hoặc làm không đúng, không đầy đủ bất cứ nghĩa vụ bảo mật nào…
Lý giải tạm hoãn thực hiện các nội dung điều chỉnh trên từ 10/5 mà vẫn tiếp tục áp dụng các điều khoản cũ, đại diện Vietcombank cho biết:
“Qua ý kiến của khách hàng, chúng tôi nhận thấy cách sử dụng từ ngữ trong một số điểm có thể dẫn đến việc hiểu chưa đúng về mục đích của việc điều chỉnh này. Tiếp thu ý kiến phản hồi, Vietcombank sẽ nghiên cứu để có những điều chỉnh cần thiết trên cơ sở đảm bảo tính phù hợp với các quy định theo thông lệ quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam, hướng tới bảo đảm tối đa quyền lợi của khách hàng”.
Khẳng định luôn cập nhật những công nghệ mới nhất, có khả năng bảo mật tốt nhất, song Vietcombank cũng mong muốn khách hàng thực hiện theo những khuyến cáo mà Vietcombank thường xuyên gửi tới khách hàng để phòng tránh các rủi ro phát sinh ngoài mong muốn khi sử dụng dịch vụ ngân hàng nói chung và dịch vụ ngân hàng điện tử nói riêng.
“Trong quá trình sử dụng dịch vụ, nếu phát sinh sự cố không phải do lỗi của khách hàng, Vietcombank cam kết luôn đứng về phía khách hàng để bảo vệ tối đa quyền lợi chính đáng của khách hàng”, lãnh đạo Ngân hàng khẳng định.