Mặc dù vậy, VCSC nhận định rằng ngân hàng khó có thể được bơm vốn trong 12 tháng tới, ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng. Hiện nay, VietinBank vẫn thiếu room khối ngoại và hiện vẫn chưa rõ thời điểm và mức độ điều chỉnh qui định room khối ngoại đối với ngân hàng.
“Chúng tôi dự báo hệ số CAR 2019 của VietinBank sẽ giảm xuống 9,8% với tỷ lệ vốn cấp 1 mỏng ở mức 6,8% và ngân hàng khó có thể tuân thủ Basel II”, báo cáo của VCSC cho hay.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 tổ chức hồi tháng 4 vừa qua, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch VietinBank cho biết, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) riêng lẻ của ngân hàng là 9,6% và hợp nhất là 10%. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo Thông tư 41, CAR của ngân hàng lại ở mức dưới 8%.
Cùng với đó, VCSC nhận định việc giải quyết trái phiếu VAMC sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh lời của VietinBank trong các năm tới. Cuối năm 2018 ngân hàng vẫn còn 13.400 tỷ đồng trái phiếu VAMC trên bảng cân đối kế toán.
VCSC cho rằng ngân hàng sẽ nỗ lực giải quyết trái phiếu VAMC trong các năm 2019 - 2021. Nếu ngân hàng sẽ dự phòng đầy đủ cho lượng trái phiếu này thì chi phí tín dụng liên quan sẽ được đẩy mạnh vào năm 2020.
Mặc dù vậy, công ty chứng khoán này lại điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2019 của VietinBank thêm 7% lên 7.600 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2018. Sự điều chỉnh này là do thu nhập lãi thuần 2018 biến động bất thường khiến mức dự báo thu nhập trước dự phòng 2019 được điều chỉnh tăng mạnh hơn so với giả định tăng chi phí dự phòng.
Mới đây, ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết đang làm việc với các ngân hàng quốc doanh về khả năng SCIC tham gia mua cổ phần các nhà băng này mà cụ thể là BIDV và Vietinbank.
Theo Tổng giám đốc SCIC, phương án được tổng công ty đưa ra là mua cổ phần hai nhà băng này bằng mệnh giá, giúp những ngân hàng này giải quyết "bài toán" thiếu vốn. BIDV mặc dù đã tìm được cổ đông chiến lược những vẫn chưa thể phát hành do vẫn còn vướng mắc ở giá.
Trong khi đó, VietinBank được đánh giá là trường hợp khó khăn nhất do đã dùng gần hết dư địa tăng vốn. Sở hữu Nhà nước tại VietinBank đã xuống dưới mức tối thiểu (65%), trong khi sở hữu của cổ đông ngoại đã ở mức tối đa.
Từ năm 2016 đến nay, cả BIDV và VietinBank đều mong muốn tăng vốn điều lệ thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên đề nghị này đã nhiều lần bị Bộ Tài chính khước từ với lý do ngân sách eo hẹp.
Theo ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng xác nhận, 4 ngân hàng quốc doanh đang gặp khó khăn trong tăng vốn điều lệ. Mấu chốt, theo ông Tú, là hiện hệ số CAR của nhóm ngân hàng này đã xấp xỉ ngưỡng 9% - mức tối thiểu đảm bảo an toàn vốn.