Vietinbank đã phải "nhường bước" trước việc quyết đòi cổ tức của Bộ Tài chính
HĐQT Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã: CTG) đã phê duyệt việc lấy ý kiến cồ đông bằng văn bản thông qua việc trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt.
Thời gian chốt danh sách cổ đông để thực hiện lấy ý kiến là ngày 15/12/2016, ngày dự kiến sẽ lấy ý kiến cổ đông là ngày 20/12/2016. Kết quả sẽ được tổng hợp vào ngày 30/12/2016.
Hồi tháng 4 vừa qua, ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của VietinBank đã biểu quyết thông qua việc không chia trả cổ tức năm 2015 dù mức cổ tức dự kiến từ năm trước là 10% bằng tiền mặt.
Ngay sau đại hội, Bộ Tài chính đã có ý kiến lên Ngân hàng Nhà nước đề nghị chỉ đạo Người đại diện vốn Nhà nước tại Vietinbank biểu quyết lại việc chia cổ tức bằng tiền mặt. Tiền cổ tức sẽ phải thu hồi về ngân sách nhà nước theo quy định. Tương tự, BIDV cũng được yêu cầu phải biểu quyết chia lại cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt và nộp về ngân sách. Đến tháng 10/2016, BIDV đã họp ĐHCĐ bất thường thông qua việc chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8,5%.
Theo BCTC, lợi nhuận trước thuế năm 2015 của Vietinbank đạt hơn 7.345 tỷ đồng. Với tỷ lệ vốn nhà nước tại Vietinbank là 2,4 tỷ triệu cổ phiếu, tỷ lệ cổ tức 10% thì tiền cổ tức dành cho cổ đông nhà nước dự kiến thu về hàng nghìn tỷ đồng nếu việc lấy ý kiến cổ đông tới đây nhận được sự đồng thuận.
Trước đó, Vietinbank và BIDV đều bày tỏ mong muốn không chia cổ tức mà để lại lợi nhuận dành cho việc tăng vốn, nâng khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn mới Basel II nhất là hệ số an toàn vốn CAR vượt trên mức tối thiểu 9%. Theo đó, Vietinbank năm 2015 có tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,73% dư nợ, còn tỷ lệ an toàn vốn CAR đạt 10,58%.
Trong năm 2016, Vietinbank và BIDV chưa thực hiện phương án tăng vốn điều lệ. Riêng Vietinbank, việc sáp nhập PGbank dù đã trình lên thủ tướng phê duyệt song đến giờ vẫn chưa hoàn thất thương vụ.
Tại cuộc họp báo tháng 7/2016, ông Phi Vân Tuấn, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết số thu từ khu vực doanh nghiệp (DN) nhà nước trong những tháng đầu năm đạt thấp, chỉ 40,3% dự toán. Trong đó có nguyên nhân từ việc ba ngân hàng lớn gồm Vietcombank, VietinBank và BIDV vẫn chưa nộp cổ tức về ngân sách khiến số thu từ khối DN này không đạt dự toán. Tổng số cổ tức phải nộp của ba ngân hàng này là hơn 6.200 tỉ đồng, chiếm 64% cổ tức được chia của phần vốn sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước. Cổ tức của Vietcombank phải nộp về ngân sách trong tháng 7/2016. Còn khoảng 5.000 tỷ đồng cổ tức của phần vốn nhà nước từ VietinBank và BIDV đang chờ sự quyết định của ĐHCĐ hai ngân hàng này. |
Thu Hằng
>> Chây ỳ không xong, BIDV phải biểu quyết lại chia cổ tức 8,5%