Ông Lại Cao Lê, Chủ tịch HĐQT của Vinatea cho biết, Vinatea đã chính thức áp dụng hệ thống nhận diện thương hiệu mới trên tất cả sản phẩm và phương tiện có liên quan.
Không chỉ mang màu sắc và phong cách phù hợp với thị hiếu hiện đại của công chúng, hệ thống nhận diện mới còn được thiết kế trên cơ sở kế thừa những giá trị sâu sắc và thành tựu to lớn từ lịch sử lâu dài của Công ty, đồng thời, cũng chuyển tải tinh thần và khát vọng xây dựng một vị thế lớn hơn cho Vinatea và ngành trà Việt Nam trên cả thị trường nội địa và quốc tế.
“Vinatea được chuyển đổi từ công ty nhà nước sang cổ phần hóa vào tháng 9/2015 với sự tham gia 95% vốn điều lệ từ Công ty GTN Foods. Sau hơn một năm tái cấu trúc và ổn định về mọi mặt, hiện Vinatea đã sẵn sàng để tham gia vào quỹ đạo mới của thị trường trà. Trà đại diện cho một ngành hàng quốc gia, đã và đang đóng góp giá trị xuất khẩu khá đáng kể. Nếu được đầu tư chuyên nghiệp và đúng hướng, với tư cách là đơn vị dẫn đầu ngành trà của cả nước, Vinatea sẽ là nhân tố góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường nông sản toàn cầu. Cộng hưởng lợi thế từ những di sản tốt đẹp được kế thừa với nguồn lực mới hiện có, chúng tôi tin tưởng sẽ tạo nên cơ hội đột phá cho Vinatea cũng như mở ra nhiều triển vọng hơn cho nông sản Việt” – ông Lại Cao Lê nhấn mạnh.
Vì vậy, bên cạnh chiến lược mới cho thị trường nội địa, Vinatea tiếp tục đầu tư mạnh để gia tăng năng lực xuất khẩu và xây dựng vị thế mới cho trà Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Cụ thể, Công ty đã triển khai quy trình cải tạo, nâng cấp vùng nguyên liệu nhằm gia tăng phẩm chất và giá trị cho trà xuất khẩu.
Lý giải cho việc bây giờ mới trở lại thị trường nội địa, ông Lại Cao Lê cho biết, lâu nay, dù sản lượng xuất khẩu khá cao, nhưng trà Việt Nam luôn có giá bán rất thấp và chỉ nằm ở phân khúc rẻ nhất trên thị trường trà. Để tăng giá trị thương mại, không chỉ đơn thuần là hối hả tăng sản lượng, mà cốt lõi là phải thay đổi phẩm chất của trà, đạt quy chuẩn vệ sinh, an toàn theo yêu cầu nghiêm ngặt của ngành trà thế giới. “Định hướng phát triển của Vinatea là làm trà sạch theo tiêu chí “xanh - sạch - ngon và lành”.
Mặt khác, Vinatea còn có định hướng chiến lược trong phát triển trà thành sản phẩm văn hoá – du lịch. Với nhận thức rằng trà không chỉ là sản phẩm vật chất tiêu dùng, mà còn mang yếu tố tinh thần và cảm xúc, Vinatea có nhiều kế hoạch kiến tạo những công trình có khả năng tạo giá trị cộng hưởng, giúp công chúng có thể trải nghiệm trà trong không gian du lịch, thư giãn và cảm thụ văn hoá – tinh thần. Tiêu biểu nhất là kế hoạch xây dựng Bảo tàng trà – nơi tập hợp và giới thiệu những tinh túy của ngành làm trà và văn hóa thưởng trà của Việt Nam.
“Không chỉ đơn thuần sản xuất và kinh doanh trà, Vinatea còn có khát vọng phát triển về chiều sâu, cổ vũ, lan toả văn hóa, cảm xúc và khởi xướng những phong cách sống tích cực cho công chúng. Đây mới sẽ là sứ mệnh của Vinatea”.
Tiến Sĩ Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về trà
Cũng nhân dịp này, Vinatea chính thức ra mắt bộ 10 sản phẩm mới được chia thành 3 dòng, hướng tới người tiêu dùng nội địa dành cho thị trường tết 2017. Các dòng sản phầm mới của Vinatea bao gồm dòng trà thượng đỉnh: Bạch Trà Trăm Năm; Sencha Nhật Bản; Shan Tuyết Cổ Thụ; Oolong Thượng hạng. Đây là các sản phẩm trên được làm từ nguồn nguyên liệu đã qua chọn lọc khắt khe và quy trình sản xuất nghiêm ngặt.
Đặc biệt, Bạch Trà Trăm Năm không chỉ là thượng phẩm, mà còn được xếp vào loại trà quý hiếm trong thế giới trà hiện nay. Nguyên liệu của Bạch Trà thực sự là tinh hoa của thiên nhiên, được thu thập từ nguồn trà cổ thụ mọc tự nhiên trên các vùng núi cao, hoàn toàn hữu cơ, phải qua quá trình kỳ công thu hái theo mùa, sản xuất thủ công và số lượng cực kỳ hạn chế. Trên thị trường Việt Nam hiện tại, chỉ có Vinatea mới có sản phẩm này.
Ngoài ra, Vinatea còn ra mắt 3 loại trà phổ thông là Trà xanh Thái Nguyên; Trà Hoa nhài; Trà Anh Quốc và 3 dòng trà thảo mộc gồm Trà Gừng; Trà Hoa cúc mật ong và Trà Ngủ ngon.