Đồng Lộc là một ngã ba nhỏ trên đường 15 thuộc huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ( 1964 - 1972), đây là "yết hầu", "cửa tử", là "chảo lửa túi bom" trên con đường của huyết mạch vận tải lương thực và vũ khí vào miền Nam.
Từ năm 1964 - 1972, máy bay Mỹ đã thực hiện 2000 cuộc không kích, gần 50 nghìn tấn bom, mỗi mét vuông đất chịu 3 quả bom tấn. 1226 người dân, 465 chiến sỹ các lực lượng quân đội, giao thông, tiêu biểu nhất là thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh để con đường chuyển quân, chuyển lương thực, vũ khí ra mặt trận không một ngày tắc nghẽn.
Năm 1968 là năm ác liệt nhất. Có ngày, máy bay địch đánh tới 103 trận. Ngày 24/7, trong trận bom thứ 15, 10 nữ thanh niên xung phong đang tuổi xuân trong trắng đã ngã xuống vì Tổ quốc trong khi đang san lấp hố bom thông đường cho xe qua. Đồng Lộc từ đó đã trở thành nơi tưởng niệm thanh niên xung phong hy sinh trong chiến tranh của cả nước.
Năm 2013, Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng xếp hạng là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt. Năm 2018 là năm Hà Tĩnh tổ chức trọng thể 50 năm Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc với nhiều hoạt động có ý nghĩa như phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn tỉnh; tổ chức thi tìm hiểu 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc; Hội thảo khoa học "Chiến thắng Đồng Lộc, giá trị lịch sử và hiện tại" do Tỉnh uỷ Hà Tĩnh, Học viện Chính trj Quốc gia Hồ Chí Minh và Báo Nhân dân phối hợp tổ chức; gặp mặt cựu thanh niên xung phong; tổ chức cuộc thi sáng tác ca khúc; Lễ cầu siêu liệt sỹ vào ngày 14/7 và Lễ giỗ 10 cô gái vào ngày 24/7...
Trong đó, vở kịch "Khoảng trời con gái" của tác giả Nguyễn Sĩ Đại là một trong những hoạt động tiêu biểu của chuỗi hoạt động tri ân này. Vở kịch chính là tình yêu, là lời cảm ơn đặc biệt của tác giả Nguyễn Sĩ Đại với quê hương Hà Tĩnh nói chung và nhân dân Can Lộc nói riêng.
Kịch bản có một số phát hiện mới về tư liệu; gây xúc động cho người xem, được nhiều nghệ sĩ sân khấu đánh giá cao, đặc biệt ở các màn như cuộc gặp gỡ giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp với A4 ở Đồng Lộc; buổi chiều cuối cùng của 10 cô gái...
Vở kịch được xây dựng theo hướng tích hợp để tận dụng hiệu quả các thể loại nghệ thuật và phương tiện kỹ thuật hiện đại, dựa trên cơ sở phục hiện sự thật lịch sử một cách đầy đủ, trung thực nhất có thể, sử dụng thế mạnh ngôn ngữ địa phương và các thủ pháp nghệ thuật hiệu quả với lối kế chuyện giản dị, truyền cảm.
Thông qua tác phẩm, một phần cuộc sống, một phần thế giới của 10 nữ anh hùng được tái hiện tròn vẹn, sinh động và giàu chất thơ nhất thông qua từng chương, từng phân đoạn của vở kịch.
Tác giả Nguyễn Sĩ Đại, quê ở Phú Lôc, Can Lộc. Ông là TS Văn học, nguyên là Phóng viên Cao cấp báo Nhân dân, hiện là Thành viên Hội đồng Thẩm định Truyền hình Nhân dân; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Ông là người từng đội bom đạn ở quê mình thập kỷ 60, từng sống với Tổng đội Thanh niên xung phong 55, là chiến sỹ quan đội. Đây chính là đề tài máu thịt, là chất thơ, là tình yêu chảy trong huyết quản của Nguyễn Sĩ Đại. |