Vốn FDI của Nhật Bản hiện diện ở 57/63 địa phương

Tính đến thời điểm này, dòng vốn FDI của Nhật Bản đã hiện diện ở 57/63 tỉnh, thành của Việt Nam...

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (Vốn FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.

Đây là thông tin được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đưa ra tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản 2023, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tổ chức.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, là nhà tài trợ ODA lớn nhất, đối tác hợp tác lao động đứng thứ 2, đầu tư và đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam, hai bên đang hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với nhiều lĩnh vực then chốt như cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Về hợp tác đầu tư Phó Thủ tướng thông tin, dòng vốn FDI của Nhật Bản đã hiện diện ở 57/63 tỉnh, thành của Việt Nam. Lũy kế đến tháng 12/2022, Nhật Bản có 4.978 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 68,89 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Vốn FDI của Nhật Bản hiện diện ở 57/63 địa phương
Vốn FDI của Nhật Bản hiện diện ở 57/63 địa phương

Riêng năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam dự báo có lãi trong hoạt động kinh doanh là 59,5%, tăng 5% so với năm 2021. Đặc biệt, các dự án quy mô lớn mà các Tập đoàn kinh tế đa quốc gia hàng đầu của Nhật Bản như: Canon, Panasonic, Toyota, Honda, Yamaha, Suzuki, Mitsubishi, Sumitomo … đầu tư vào Việt Nam đã kéo theo rất nhiều nhà đầu tư vệ tinh vào Việt Nam, Phó Thủ tướng nói.

Vẫn theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Với kết quả thu hút vốn FDI tích cực, Việt Nam lần đầu tiên được Liên Hợp Quốc đưa vào danh sách 20 quốc gia thu hút vốn FDI hàng đầu thế giới.

Theo dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ đạt 6,2%, còn Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo đạt 6,7%. Đạt được những thành tựu nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của Việt Nam, còn có sự hợp tác chặt chẽ, phối hợp hiệu quả, hỗ trợ kịp thời của cộng đồng quốc tế, trong đó có Chính phủ, nhân dân và các doanh nghiệp Nhật Bản.

Khẳng định hai nước Việt Nam – Nhật Bản còn rất nhiều dư địa, tiềm năng hợp tác, bổ sung lẫn nhau và để góp phần phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á Việt Nam – Nhật Bản, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề xuất tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, đồng thời chú trọng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi xanh.

Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản yên tâm đầu tư ổn định, lâu dài tại Việt Nam. Song song đó, tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước. Trong đó triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và đa phương như Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm sớm đạt mục tiêu tiếp tục nâng cao kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh..

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm