Tại tọa đàm "Tăng cường hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, các chuyên gia kinh tế, đại diện cơ quan quản lý đã chỉ ra nhiều nội dung bất cập liên quan đến việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và đề xuất giải pháp sửa đổi chính sách thuế một cách đồng bộ, thống nhất.
LỖ HỔNG NGÂN SÁCH TỪ HÀNG HÓA NHỎ QUA BIÊN GIỚI
Từ lâu, thương mại điện tử đã chứng tỏ mình là một hình thức kinh doanh vô cùng năng động và phát triển mạnh mẽ. Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và chuyển đổi số, việc mua bán hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đã trở nên quá đỗi quen thuộc trong cuộc sống hiện đại. Sự tiện lợi, đa dạng sản phẩm và dịch vụ, cùng với khả năng tiếp cận khách hàng toàn cầu đã khiến thương mại điện tử ngày càng trở nên hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên đây là hoạt động kinh doanh trên không gian mạng nên sẽ gặp không ít khó khăn trong việc quản lý đặc biệt quản lý về thuế.
Phát biểu tại tọa đàm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính đã có những nhận định sâu sắc về hoạt động Thu thuế từ thương mại điện tử. Theo PGS.TS Thịnh, rất khó để thu đúng thu đủ, thu chính xác đối với hoạt động thương mại điện tử. Điều này đã trở thành khó khăn chung với hầu hết cơ quan thuế trên thế giới, kể cả những cơ quan thuế rất phát triển như Mỹ hay Liên minh châu Âu … Ở Việt Nam, việc chúng ta nghiên cứu, đề ra các biện pháp thu đối với lĩnh vực này cũng chưa có gì mới.
Theo ông Thịnh nhận định, hiện có khá nhiều “ông lớn” công nghệ hoạt động trên không gian mạng, sàn thương mại điện tử tại thị trường Việt Nam đạt doanh thu rất lớn như Google, Amazon,... nhưng lượng thuế họ nộp chưa tương xứng. Ông cũng chỉ ra một số ví dụ điển hình, hàng hóa nhỏ di chuyển qua biên giới theo thống kê từ tháng 1 - 6/2024, mỗi tháng có từ khoảng 1,3 tỷ - 1,9 tỷ USD giá trị hàng hóa nhỏ qua biên giới không phải đóng thuế. Những hàng hóa này rõ ràng khi đóng thuế đã là một con số rất lớn. Bình quân một ngày khoảng 50 triệu USD vào, ra thị trường Việt Nam, nhưng được miễn thuế hoàn toàn. Trong khi đó, nhiều quốc gia lớn vẫn tận dụng nguồn thu ngân sách từ hoạt động này.
Cụ thể, Liên minh châu Âu đã bỏ quy định những hàng hóa có giá trị dưới 22 euro phải đóng thuế. Hay ví dụ như nước Anh, 135 bảng Anh trước đây không phải đóng thuế, bây giờ phải đóng thuế. Ngay bên cạnh chúng ta là Thái Lan cũng đánh thuế đồng bộ tất cả hàng hóa ra - vào quốc gia mà đều phải chịu thuế suất 7%. Như vậy không kể nhỏ hay lớn. Nếu mỗi ngày có 4 - 5 triệu đơn qua biên giới thì con số thất thoát rất lớn.
Trong khi đó, những đơn hàng qua biên giới có giá trị nhỏ được giao dịch qua các sàn thương mại điện tử với số lượng rất lớn và thường xuyên. Từ những phân tích trên, PGS.TS Thịnh “hiến kế” để cơ quan chức năng sớm hoàn thiện cơ chế miễn thuế đối với hàng hóa nhỏ. Cơ chế chính sách này phải phù hợp với từng điều kiện và theo đúng thông lệ. Bên cạnh đó là hoạt động tuyên truyền người kinh doanh chủ động nộp thuế đúng, đủ cho nhà nước và ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý cũng cần được triển khai toàn diện.
Đồng quan điểm với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân thuộc Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết, Bộ cũng đang trình Chính phủ sửa Nghị định 123 /2020/NĐ-CP, với đề xuất quản lý đối với thương mại điện tử, đó là việc các tổ chức, cá nhân, các hộ kinh doanh có thể ủy quyền cho các sàn giao dịch điện tử để các sàn này có thể xuất hóa đơn thay cho người kinh doanh thông qua sàn. Thông qua giải pháp này, tất cả các giao dịch thương mại điện tử dù lớn hay nhỏ, giá trị bao nhiêu cũng sẽ được xuất hóa đơn đầy đủ. Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg, trong đó có nội dung bỏ quy định không thu thuế GTGT đối với hàng chuyển phát nhanh có giá trị nhỏ.
GIẢI PHÁP THÁO GỠ BÀI TOÁN THUẾ TRONG THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ
Tại buổi tọa đàm, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân cũng nêu ra loạt giải pháp Tổng Cục thuế đã triển khai nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Trong đó, cơ quan quản lý thuế đặc biệt quan tâm công tác tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế tham gia hoạt động kinh doanh thương mại điện tử thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định pháp luật. Các bước kê khai, nộp thuế của người dân sẽ được áp dụng công nghệ 4.0 trong thời kỳ chuyển đổi số.
Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng đề xuất loạt giải pháp sửa đổi chính sách thuế một cách đồng bộ, thống nhất, không những thống nhất trong ngành thuế mà còn thống nhất trong các Bộ, ngành có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử. Việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành, trong các tổ chức, các nhân kinh doanh thương mại điện tử; doanh nghiệp là chủ sàn kinh doanh thương mại điện tử; các đơn vị vận chuyển; trung gian thanh toán… sẽ liên tục được cơ quan quản lý quan tâm và đẩy mạnh.
Theo báo cáo của bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, trong khoảng 5 năm gần đây tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử tại Việt Nam duy trì từ 20-25% một năm, cách đây khoảng 10 năm, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam đạt khoảng 2,2 tỷ USD, nhưng đến năm 2023, theo thống kê, đánh giá của Bộ Công Thương thì quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc. Tỷ lệ này đang được dự đoán đạt 10% vào năm 2025.
Doanh thu thuế từ TMĐT tăng đều qua các năm: 83.000 tỷ đồng (2022), 97.000 tỷ đồng (2023) và chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024 đã đạt hơn 78.000 tỷ đồng. Sự gia tăng mạnh mẽ này không chỉ đến từ các doanh nghiệp trong nước, mà còn từ các nền tảng quốc tế như Google, Facebook và Amazon
Với tốc độ tăng trưởng chóng mặt của thương mại điện tử, vấn đề phát triển bền vững trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Để đạt được mục tiêu này, việc đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và tuân thủ pháp luật, trong đó có nghĩa vụ thuế, là vô cùng quan trọng. Xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện và ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp tối ưu để nâng cao hiệu quả quản lý thuế.
Trên môi trường điện tử, hoạt động quản lý phải tận dụng tối ưu những công cụ trên môi trường trực tuyến, điện tử. Thực hiện Chỉ thị số 18/CT-TTg, trong hơn 1 năm qua, Bộ Công Thương đã phối hợp rất chặt với các cơ quan liên quan như Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông để ứng dụng công nghệ thông tin và phát triển cơ sở dữ liệu phục vụ cho quản lý thuế. Bộ cũng quản lý triệt để những dữ liệu liên quan đến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và các sàn thương mại điện tử và phối hợp với các đơn vị thực hiện công tác giám sát.
Là doanh nghiệp duy nhất trong buổi tọa đàm, TS.Trần Mạnh Nam, Giám đốc Khối Doanh nghiệp của VNPAY nhấn mạnh vai trò của đơn vị trung gian thanh toán đối với việc thực hiện nghĩa vụ về thuế của các hoạt động thương mại điện tử. Theo ông Nam, thanh toán điện tử đang trở thành xu hướng chung, phát triển vượt bậc với rất nhiều các phương thức thanh toán. Qua hoạt động thanh toán điện tử, cơ quan quản lý sẽ dễ dàng nắm được doanh thu của người bán hàng, và có thể từ doanh thu đó hình thành nên nghĩa vụ thuế của người bán hàng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần nhạy bén trong việc bóc tách đâu là dòng tiền thương mại và dòng tiền phi thương mại của các chủ sở hữu để từ đó cơ quan thuế có thể xác định được đâu là trách nhiệm thuế, đâu là nghĩa vụ thuế của các đơn vị tham gia bán hàng.