Xây dựng nhà ga T3 tại sân bay Tân Sơn Nhất: Nên là nhà nước hay tư nhân?

Việc xây dựng nhà ga T3 tại sân bay Tân Sơn Nhất đã trở nên vô cùng cấp thiết khi sân bay này đang trở lên quá tải, tuy nhiên, việc lựa chọn nhà thầu và phương án mở rộng như thế nào đang là bài toán
Xây dựng nhà ga T3 tại sân bay Tân Sơn Nhất: Nên là nhà nước hay tư nhân?

ACV giảm diện tích gần một nửa nhưng vẫn giữ nguyên công suất

Cuối tháng 3/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất ở phía Nam khu bay theo phương án của ADPi. Các bản vẽ quy hoạch của ADPi đều thể hiện một nhà ga hành khách T3 khá lớn, có công suất 20 triệu khách/năm, diện tích sàn xây dựng khoảng 200.000 m2 (lớn hơn các nhà ga T1, T2 hiện có), được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 26ha hiện tại đang được Bộ Quốc phòng quản lý.

Mới đây,  Bộ GTVT đã gửi đề xuất của Tổng công ty Cảng hàng không (ACV). Tuy nhiên, đề xuất trên chưa mang tính khả thi cao. Từ thiết kế nhà ga, quỹ đất, công suất, đến tiến độ thực hiện đều bất cập so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nếu được phê duyệt, đây có thể sẽ là “điểm nghẽn” mới của ngành hàng không Việt Nam mà hậu thế lại phải đau đầu giải quyết.

Cụ thể, diện tích sàn xây dựng chỉ còn khoảng 100.000 m2, bằng một nửa so với phương án của ADPi, trong khi công suất vẫn giữ nguyên là 20 triệu khách/năm như ADPi đề xuất và đã được Thủ tướng chấp thuận.

Lần ngược lại các cơ sở lập dự án nhà ga hành khách T3 của ACV, dễ dàng nhận ra nguyên nhân gốc nằm ở Quyết định số 1942/QĐ-BGTVT ngày 31/8/2018  “Về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2020, định hướng đến 2030” do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ ký (gọi tắt là “Quyết định 1942”).

Mặc dù dựa trên kết quả tư vấn của ADPi, nhưng các nội dung cụ thể của Quyết định 1942 lệch khá xa so với đề xuẩt của ADPi.

Theo Quyết định này, nhà ga hành khách T3 được quy hoạch trên khu đất rộng chỉ khoảng 16 ha. Có nghĩa là, quỹ đất dành cho nhà ga hành khách T3 đã được giảm đi gần một nửa, nhưng công suất nhà ga vẫn giữ nguyên. ACV không còn cách nào khác, ngoài cách giảm diện tích sàn xây dựng đi một nửa để ‘nhồi” nhà ga hành khách T3 vào khu đất khá nhỏ đó.

Với công suất những 20 triệu khách/năm, nhà ga hành khách T3 sẽ kết nối giao thông thế nào để đảm bảo không tắc nghẽn xe cộ ra vào nhà ga như đang xảy ra với các nhà ga T1, T2 hiện hữu? Có đủ diện tích cho bãi đỗ xe, các công trình dịch vụ sân bay cho hành khách và người đưa, đón, các công trình phụ trợ khác không?

Nghiêm trọng hơn, Quyết định 1942 được cho là để điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất theo Quyết định 3193/QĐ-BGTVT ngày 7/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT, nhưng Quyết định này đã xóa bỏ hoàn toàn quy hoạch khu hàng không lưỡng dụng tại sân bay Tân Sơn Nhất mà trước đó Bộ Quốc phòng và Bộ GTVT đã thống nhất và dự án nhà ga lưỡng dụng ở khu vực đó đã và đang được nhà đầu tư dày công chuẩn bị.

Với việc “thu nhỏ” nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, phải chăng ACV đang đi ngược với quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, đi ngược với các quyết định trước đó của Bộ GTVT.

Và việc “nhồi” một nhà ga T3 có công suất lớn hơn cả các nhà ga T1, T2 hiện có vào một khu đất chỉ rộng 16ha, liệu ACV sẽ có để lại cho hậu thế một khu sân bay với hàng loạt vấn đề bất cập?

Sân bay Tân Sơn Nhất cần mở rộng nhanh chóng

Nhà nước hay tư nhân?

Sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay với tình trạng quá tải trên tất cả các hạng mục, từ khu bay, đến nhà ga, ra thành phố, là hậu quả của những lần mở rộng theo kiểu “cơi nới” thay vì theo một quy hoạch chuyên nghiệp, với tầm nhìn dài hạn.

Vừa qua vào ngày 21/2/2019, Tập đoàn FLC đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải và Văn phòng Chính phủ đề nghị được nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ga T3 tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cụ thể, Tập đoàn FLC đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét chấp thuận chủ trương cho Tập đoàn và hãng hàng không Bamboo Airways nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3 tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cũng theo công văn này, nếu được chấp thuận chủ trương, Tập đoàn FLC sẽ tập trung toàn lực để thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, sớm đưa công trình vào khai thác sau 1 năm thi công.

Giải thích về tốc độ hoàn thành nhanh gần gấp đôi so với thời gian dự kiến xây dựng nhà ga T3, ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch FLC nhấn mạnh, Tập đoàn đã có bề dày kinh nghiệm thi công và hoàn thành các quần thể du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn từ hàng trăm đến hàng ngàn ha trong thời gian ngắn với chất lượng tốt.

Đầu tư xây dựng hạ tầng nhà ga, cảng hàng không là một định hướng quan trọng đã được Tập đoàn FLC theo đuổi từ trước khi hãng hàng không Bamboo Airways chính thức cất cánh. Theo đó, FLC mong muốn xây dựng một hệ sinh hệ sinh thái đồng bộ từ hạ tầng, kỹ thuật, dịch vụ cho đến đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực hàng không, chứ không đơn thuần là vận hành hãng bay đơn lẻ.

Sau khi ký kết với các đối tác hàng đầu thế giới trong lĩnh vực dịch vụ hàng không, Bamboo Airways đang triển khai, xây dựng chuỗi bãi đậu máy bay (hangar), nhà xưởng chuyên bảo trì, bảo dưỡng, hoạt động phụ trợ tại các cảng hàng không có tiềm năng trên cả nước.

Trước đó, Tập đoàn FLC đã cho thấy ý định đầu tư hai khu hạ tầng quan trọng về dịch vụ hàng không, trong đó, một khu đặt tại sân bay Thọ Xuân, cung cấp một hợp phần quan trọng là khu dịch vụ cảng hàng không bao gồm nhà máy sửa chữa, bảo dưỡng máy bay; học viện đào tạo kỹ thuật, tiếp viên. Một khu khác là trung tâm bảo hành - bảo dưỡng quy mô lớn dự kiến đặt tại Vân Đồn, Quảng Ninh.

Nói về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, một chuyên gia cho rằng, tại sao chúng ta cứ phải chờ ACV bỏ tiền ra đầu tư khi mà không mặn mà” sao không kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân?

Một minh chứng cho việc trên, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã đi vào sử dụng chỉ sau 30 tháng thi công, đây là mô hình doanh nghiệp tư nhân đầu tư, khai thác rồi chuyển giao cho nhà nước (BOT), công trình do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư, với tổng số vốn 7.463 tỷ đồng.

Vì vậy, câu hỏi đặt ra thay vì chờ ACV, có nên để tư nhân tham gia đầu tư vào sân bay Tân Sơn Nhất không?

Năm, 2025, Tân Sơn Nhất sẽ “gánh” 78 triệu hành khách/năm

Hiện nay, công suất thiết thế của hai nhà ga T1 và T2 tại Tân Sơn Nhất là 28 triệu hành khách/năm. Nhưng năm 2017 lên 36 triệu hành khách và theo thống kê chưa đầy đủ năm 2018 đạt 40 triệu hành khách. Theo dự báo đến năm 2021, Tân Sơn Nhất sẽ gồng mình gánh 53 triệu hành khách và 78 triệu hành khách vào năm 2025. Việc tắc nghẽn đã dẫn đến hệ lụy ảnh hưởng đến chất lượng các chuyến bay và tăng chi phí cho các hãng bay.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...