Diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn đang tiếp tục tăng nhanh, chưa có dấu hiệu chững lại. Đặc biệt, làn sóng dịch bệnh thứ 2 đang bùng phát mạnh ở những nước mở cửa trở lại sau một thời gian thực hiện cách ly xã hội.
Việc một số nước tuyên bố sản xuất thành công vaccine là tín hiệu tích cực ban đầu nhưng chưa thể giúp thế giới đẩy lùi ngay được đại dịch trong một sớm, một chiều.
Theo đánh giá của GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền bộ trưởng Bộ Y tế, ổ dịch Đà Nẵng, Quảng Nam đang được kiểm soát. Số ca mắc giảm dần, các địa phương cũng đang tăng cường truy vết, xét nghiệm, xác định các yếu tố nguy cơ để triển khai các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Đối với ổ dịch Hải Dương, Bộ Y tế xác định khả năng nguồn bệnh xâm nhập vào quán từ khoảng ngày 25 và 27-7, cùng chủng virus ở Đà Nẵng. Từ địa điểm này dịch lây lan ra cộng đồng, ghi nhận tổng số 11 trường hợp mắc COVID-19.
Nhận định dịch bệnh còn kéo dài, Việt Nam phải tiếp tục nâng cao cảnh giác trong thời gian dài với những biện pháp để chung sống an toàn với dịch bệnh.
Đối với một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao tại các nước và trong bối cảnh dịch còn kéo dài, cần có các giải pháp kỹ thuật nhằm xác định, định vị người có nguy cơ để phục vụ việc truy vết và thực hiện chiến lược xét nghiệm có hiệu quả.
Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truy vết các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm hiệu quả, các nội dung về kỹ thuật, pháp lý, cơ chế kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quy định mang tính bắt buộc chủ thuê bao di động cài đặt các ứng dụng (khai báo y tế điện tử, NCOVI, Bluezone) trên điện thoại thông minh (theo lộ trình phù hợp) để phục vụ công tác phòng chống dịch.
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả truy vết những trường hợp nghi ngờ, cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm triển khai biện pháp của một số nước tiên tiến đã áp dụng cho một số đối tượng có nguy cơ cao như đeo vòng điện tử...
Chiều qua (18/9), Liên đoàn Lao động TP.HCM đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vận động và hướng dẫn người lao động cài đặt ứng dụng Bluezone.
LĐLĐ TP.HCM yêu cầu tuyên truyền đến toàn thể đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cài đặt “Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần - Bluezone” trên điện thoại thông minh nhằm giảm thiểu lây lan trong cộng đồng.
Trước đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có công văn về việc vận động đoàn viên, công nhân, viên chức lao động cài đặt ứng dụng Bluezone để góp phần phòng, chống COVID-19.
Trước đó, ngày 14/8, Bộ TT&TT đã có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh có tỉ lệ cài đặt Bluezone dưới 10% dân số đề nghị chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đến tất cả sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các cấp phối hợp với Sở TT&TT để đẩy mạnh việc cài đặt Bluezone đến được tất cả người dân trên địa bàn có sử dụng điện thoại thông minh. Mục tiêu là phấn đấu đến hết ngày 20/8 đạt tối thiểu 50% số lượng người dân có điện thoại thông minh trên địa bàn tỉnh được cài đặt Bluezone.
Số liệu đến ngày 19/8 cho thấy, đã có 19,6 triệu lượt tải ứng dụng Bluezone.