Chính quyền Trump bắt đầu chạy thử nghiệm “thị thực triệu đô”

Theo báo cáo của tạp chí công nghệ danh tiếng Wired, Bộ Hiệu suất Chính phủ (DOGE) dưới sự lãnh đạo của tỷ phú Elon Musk đã bắt đầu triển khai hạ tầng kỹ thuật số cho sáng kiến thẻ vàng thị thực mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần “quảng cáo”…

Chính quyền Trump bắt đầu chạy thử nghiệm “thị thực triệu đô”

Chương trình thị thực định cư mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, hay còn được gọi “Trump Card Visa” (tạm dịch: Thẻ thị thực Trump) đang được xúc tiến triển khai về mặt hạ tầng kỹ thuật số với sự điều phối của Bộ Hiệu suất Chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk đứng đầu.

Mặc dù Nhà Trắng chưa chính thức công bố chi tiết hay thời gian áp dụng cụ thể cho “Trump Card Visa”, nhưng một số cư dân thường trú tại Mỹ và du khách quốc tế đã bắt đầu được hỏi liệu họ đăng ký chương trình này hay chưa.

Trước đây, chính Tổng thống Trump đã nhiều lần đề cập đến ý tưởng này, giới thiệu về một loại “thẻ vàng thị thực” trị giá 5 triệu USD cho người nước ngoài muốn định cư tại Mỹ và đồng thời mở ra khả năng nhập quốc tịch.

Tuy nhiên, cách thức vận hành, triển khai chương trình vẫn chưa được làm rõ, trong khi luật liên bang hiện hành quy định chặt chẽ số lượng và điều kiện cấp thẻ xanh hàng năm. Giới chuyên gia cho rằng Quốc hội Mỹ sẽ phải thông qua đạo luật mới để điều chỉnh các quy định hiện có.

Theo các nguồn tin mà Wired thu thập được, việc DOGE tham gia sâu vào dự án thị thực này cho thấy phạm vi ảnh hưởng ngày càng lớn của tỷ phú Elon Musk trong hoạt động chính phủ. Ban đầu, DOGE chỉ được giao nhiệm vụ hiện đại hóa hạ tầng công nghệ liên bang nhằm cải thiện hiệu suất chính phủ. Nhưng chỉ sau chưa đầy bốn tháng, đơn vị này dường như đã được đảm nhận trọng trách quan trọng trong việc tái định hình hệ thống nhập cư Mỹ. Các đại diện của DOGE được cho là đã phối hợp với Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP), Cục Di trú và Nhập tịch (USCIS), Bộ Ngoại giao và nhiều cơ quan liên bang khác.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà DOGE đang theo đuổi hiện nay là tích hợp các hệ thống chính phủ hiện có như xử lý thị thực và kiểm tra du khách vào một nền tảng riêng dành cho Trump Card Visa. Theo hồ sơ công khai từ Cơ quan An ninh mạng và Hạ tầng Mỹ, DOGE đã đăng ký tên miền trumpcard.gov vào cuối tháng 3. Các thử nghiệm do phóng viên của tạp chí WIRED thực hiện cho thấy trang web này có tên miền phụ kết nối đến các hệ thống của CBP, Bộ Ngoại giao và hệ thống điện tử xử lý thị thực của USCIS, cho thấy mức độ tích hợp sâu với hạ tầng kỹ thuật số hiện tại của chính phủ liên bang.

Thậm chí, biểu mẫu đăng ký chương trình Global Entry của Hải quan và Biên phòng Mỹ, vốn dành cho công dân Mỹ, thường trú nhân và một số công dân nước ngoài được ưu tiên nhập cảnh trước, cũng đã thêm tuỳ chọn “đã nộp đơn xin Trump Card Visa”.

gold-visa-global-entry.jpg
Biểu mẫu đăng ký Global Entry hiện có thêm mục chọn "Tôi đã đăng ký đơn xin Trump Card Visa" khi được hỏi về tình trạng cư trú

WIRED xác nhận rằng công dân từ các nước như Trung Quốc, Nga, Ukraine, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác có thể chọn mục này, ngoại trừ Canada, do công dân nước này sử dụng hệ thống NEXUS riêng.

Trong một podcast hồi tháng 3, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết đã chính quyền Trump đã “bán” được 1.000 thẻ vàng thị thực và tin rằng có thể hướng tới mục tiêu 1 triệu thẻ. Mục tiêu của chương trình này, như ông Lutnick trình bày, là tạo điều kiện cho những người giàu có được quyền sống ở Mỹ và chỉ phải đóng thuế với thu nhập kiếm được tại đây.

Tuy nhiên, đến nay Nhà Trắng vẫn chưa đưa ra xác nhận liệu Tổng thống có thẩm quyền hợp pháp để khởi động chương trình thị thực vàng hay không. Ông Stuart Anderson, giám đốc điều hành Quỹ Chính sách Di dân Quốc gia, nhận định: “Muốn có cơ sở pháp lý, họ cần Quốc hội thông qua một đạo luật chính thức”.

Hiện tại, hệ thống thẻ xanh của Mỹ nằm trong quy định thuộc Đạo luật Di trú 1990, giới hạn tỷ lệ cung cấp không quá 7% thẻ xanh mỗi năm cho một quốc gia, khiến công dân các nước đông người như Ấn Độ phải chờ đợi cả thập kỷ. Chưa rõ liệu chương trình Trump Card Visa có cho phép người nộp đơn vượt qua hàng chờ này hay không.

Mỗi năm, Mỹ cấp khoảng 1,1 triệu thẻ xanh, phân chia cho nhiều nhóm như thân nhân, lao động trình độ cao và các trường hợp đặc biệt.

“Thẻ vàng” của ông Trump được xem là phiên bản thay thế hoặc mở rộng cho visa EB-5, chương trình định cư đầu tư hiện nay. EB-5, được Quốc hội lập ra năm 1990, cho phép khoảng 10.000 người mỗi năm nhận thẻ xanh nếu đầu tư 1,05 triệu USD (hoặc 800.000 USD tại vùng nông thôn có tỷ lệ thất nghiệp cao) và tạo ra ít nhất 10 việc làm toàn thời gian. Chương trình này từng được giám sát chặt chẽ để tránh bị lợi dụng bởi giới tài phiệt tham nhũng.

Ông Doug Rand, cựu cố vấn cao cấp tại USCIS cho biết: “Có hẳn một đơn vị gồm các nhà kinh tế và chuyên gia an ninh quốc gia thẩm định đơn xin EB-5”. Trong thời gian ông làm việc, lượng hồ sơ dày đặc đến mức sàn nhà văn phòng USCIS… bị lún.

Không rõ mức độ kiểm soát tương tự có được áp dụng cho chương trình Trump Card Visa hay không. Khi được hỏi liệu các tài phiệt Nga có thể tham gia chương trình hay không, ông Trump đã trả lời: “Có thể, tôi biết vài người Nga rất tử tế”.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Temu không được ship hàng trực tiếp từ Trung Quốc đến Mỹ

Temu không được ship hàng trực tiếp từ Trung Quốc đến Mỹ

Temu đã ngừng vận chuyển trực tiếp hàng hoá từ Trung Quốc đến người tiêu dùng Mỹ do phải đối mặt với mức thuế quan cao hơn sau khi “ngoại lệ de minimis” chấm dứt, từ đó khiến hàng chục nghìn sản phẩm hiển thị trên website bị đánh dấu là hết hàng…

sản xuất iPhone tại Mỹ

Tổng thống Donald Trump muốn Apple sản xuất iPhone tại Mỹ: Nhiệm vụ bất khả thi

Apple của Steve Jobs từng bị ám ảnh với việc chứng minh mình đủ khả năng sản xuất tại Hoa Kỳ, cũng như đủ sức cạnh tranh với những gã khổng lồ điện tử tiêu dùng Nhật Bản hùng mạnh thời đó. Nhưng Apple đã thất bại. Nhà máy đã đóng cửa năm 1992 và toàn bộ công việc đó được chuyển sang Châu Á...

Giấc mơ sản xuất tại Mỹ của Tổng thống Donald Trump gặp rất nhiều rào cản

Giấc mơ "sản xuất tại Mỹ" của Tổng thống Donald Trump có xa vời?

Cuối những năm 1940, khi năng lực công nghiệp của châu Âu và Nhật Bản đang suy yếu, Mỹ chiếm hơn một nửa sản lượng sản xuất toàn cầu. Năm ngoái, nước này chỉ còn chiếm hơn một phần mười sản lượng và nhập khẩu nhiều hơn 1,2 nghìn tỷ USD hàng hóa so với xuất khẩu...