Cụ thể, kịch bản xuất khẩu dệt may tích cực là những bất ổn từ thị trường thế giới có thể được kiểm soát, ngành may mặc dự báo hết quý I năm sau mọi việc sẽ phục hồi. Vì vậy, kịch bản 48 tỷ USD có thể thành hiện thực.
Còn kịch bản kém hơn, thị trường phục hồi vào nửa cuối năm 2023 - mức độ tăng trưởng vào khoảng 4,5% và cán mức ở mức 45 tỷ USD.
Thách thức ngành dệt may trong những năm tới có thể kể đến là nhu cầu một số thị trường như Mỹ, EU... đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát tăng cao. Trong khi đó, các nhà bán lẻ, thương hiệu đang trì hoãn đơn hàng, cùng sức mua của người tiêu dùng giảm đáng kể và ảnh hưởng đến đơn hàng của doanh nghiệp dệt may.
Về chuỗi cung ứng, chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc tác động lớn đến doanh nghiệp dệt may khi ngành may mặc Việt Nam đang nhập khẩu hơn 50% vải và nguyên liệu từ thị trường này. Chiến sự Nga - Ukraine diễn biến phức tạp, khiến giá nguyên liệu và chi phí vận tảng liên tục tăng.
Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may là một ngành khá nhạy với nhu cầu thế giới, việc các doanh nghiệp chủ động chuyển hướng với các thay đổi từ thị trường sẽ quyết định nhiều đến việc giữ nhịp tăng trưởng trong năm 2023 trong bất kì kịch bản nào.
Một số đề xuất được đưa ra như doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất sang những mặt hàng có giá trị thấp hơn, nhưng thời gian giao hàng nhanh hơn, chuyển từ hàng dệt kim sang dệt may, sản xuất các sản phẩm xuất khẩu phù hợp với xu hướng của Trung Quốc...
Dự thảo "Chiến lược phát triển ngành dệt may, da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035" được Bộ Công Thương chủ trì xây dựng và đang trình Chính phủ phê duyệt để tiếp tục tận dụng cơ hội phát triển trong những năm tới. Trong dự thảo này, cũng đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may bình quân sẽ tăng từ 5%-6%/năm trong giai đoạn đến năm 2030 và từ 2%-3% giai đoạn từ 2031 đến 2035.