Viettel, MobiFone, VinaPhone đã đồng loạt thông báo về việc áp dụng chuyển mạng giữ nguyên số (MNP) từ ngày 1/1/2019, theo đúng kế hoạch đã được Bộ Thông tin & Truyền thông đề ra.
Hiện nay tổng số thuê bao di động của Việt Nam khoảng 130 triệu, trong đó thuê bao trả sau chỉ chiếm khoảng 6 triệu (5%). Như vậy có khoảng hơn 120 triệu thuê bao di động trả trước của ba nhà mạng lớn có thể được áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số.
Cước chuyển mạng trọn gói với thuê bao trả trước đều là 50.000 đồng. Đặc biệt các nhà mạng đều áp dụng hình thức hỗ trợ tại nhà với những khách hàng có nhu cầu chuyển từ mạng khác sang dùng dịch vụ của mình.
Bên cạnh đó, chủ thuê bao có thể đăng ký dịch vụ này thông qua các kênh khác như đến hệ thống cửa hàng, siêu thị của nhà mạng, truy cập ứng dụng, đăng ký qua website hoặc liên hệ tổng đài.
"Trước đó, Cục Viễn thông cho biết, giao dịch chuyển mạng giữ số thực hiện trong vòng 2 ngày đối với thuê bao cá nhân và 3 ngày với tổ chức, kể từ khi chủ thuê bao đến điểm giao dịch của nhà mạng chuyển đến để làm thủ tục. Theo quy định, doanh nghiệp được quyền từ chối chuyển mạng với các thuê bao có thông tin đăng ký dịch vụ không chính xác, đang có khiếu nại, tranh chấp việc sử dụng dịch vụ hoặc vi phạm hợp đồng với doanh nghiệp chuyển đi...
Dịch vụ chuyển mạng giữ số (Mobile Number Portability - MNP) được 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone, VinaPhone cung cấp từ ngày 16/11 nhưng trước đó mới áp dụng cho các thuê bao trả sau (khoảng 6 triệu thuê bao). Trong cuộc họp với cơ quan quản lý hồi tháng 11, cả 3 nhà mạng lớn và Vietnamobile đều cho biết triển khai với thuê bao trả trước từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, hiện nhà mạng này vẫn chưa công bố thông tin cụ thể. Trong khi đó, Gmobile không áp dụng chuyển mạng giữ số.
Chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số là dịch vụ cho phép thuê bao di động có khả năng chuyển đổi nhà mạng trong khi vẫn giữ được số điện thoại (bao gồm cả mã mạng và số thuê bao). Dịch vụ chuyển mạng được triển khai cung cấp lần đầu tiên vào năm 1997 tại Singapore, đến nay đã có mặt tại hơn 110 quốc gia và trở thành một xu thế phổ biến của thị trường viễn thông di động phát triển. Tại Đông Nam Á, Singapore, Thái Lan, Malaysia đã thực hiện và Việt Nam là nước thứ 4 triển khai dịch vụ.