2.100 doanh nghiệp ra đời trong tuần đầu tiên của năm 2021

Trong tuần làm việc đầu tiên, cả nước đã có 18.000 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được xử lý, với 2.100 doanh nghiệp thành lập, tăng 46% so với năm ngoái và tăng 55% so với cùng thời điểm bắt đầu thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2015.
2.100 doanh nghiệp ra đời trong tuần đầu tiên của năm 2021

Thông tin được cho biết tại hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức chiều 8/1. 

Báo cáo do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày cho thấy 5 năm qua, Bộ đã triển khai toàn diện các mặt công tác về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật; xây dựng, điều hành thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đầu tư công; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới sáng tạo, xây dựng các mô hình kinh tế mới và chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

“Các đề án, báo cáo, kiến nghị tham mưu của Bộ đều nhất quán quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng ưu tiên phục vụ, tập trung tháo gỡ khó khăn, khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo nhằm tận dụng tối đa các cơ hội phát triển đất nước”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Trong bối cảnh tình hình trọng và ngoài nước thường xuyên có nhiều biến động, Bộ đã theo dõi sát sao và thường xuyên phân tích, dự báo tình hình để kịp thời đề xuất các giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ đã tập trung ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tận dụng tối đa các cơ hội phát triển từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong số các bài học kinh nghiệm, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, tư tưởng đổi mới, sáng tạo, tư duy phát triển, có tầm nhìn là những phẩm chất thiết yếu của một người cán bộ kế hoạch và đầu tư. Để tham mưu tốt còn cần có bản lĩnh, có tinh thần trách nhiệm, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, có nhiệt huyết với công tác kế hoạch và đầu tư. Chính sách muốn trúng, hiệu quả và khả thi phải được xây dựng theo hướng lấy nhân dân, doanh nghiệp, đối tượng hưởng lợi làm trung tâm.

Năm 2021, Bộ xác định 13 nhiệm vụ trọng tâm; trước hết là tập trung vào thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ. Tập trung vào các khâu đột phá chiến lược, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, quan trọng phục vụ thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng…

Tại hội nghị, lãnh đạo các vụ, cục của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình bày một số lưu ý quan trọng trong thực hiện các quy định về thi hành Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư…

Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh Bùi Anh Tuấn cho biết, thi hành Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ 1/1/2021, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định 01 năm 2021 về đăng ký doanh nghiệp với nhiều điểm đổi mới. Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp với nhiều thủ tục khác.

“Việc Chính phủ ban hành Nghị định đầu tiên của năm mới – một nghị định về đăng ký doanh nghiệp – ngay trong ngày làm việc đầu tiên (4/1) đã mở ra những hy vọng khởi sắc cho hoạt động phát triển doanh nghiệp. Kết quả là trong tuần làm việc đầu tiên, cả nước đã có 18.000 hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được xử lý, với 2.100 doanh nghiệp thành lập, tăng 46% so với năm ngoái và tăng 55% so với cùng thời điểm bắt đầu thi hành Luật Doanh nghiệp năm 2015”, ông Bùi Anh Tuấn cho biết.

Nhiều kiến nghị được các địa phương đưa ra tại Hội nghị, như hoàn thiện cơ chế điều phối phát triển các vùng kinh tế, tiếp tục hoàn thiện các quy định với các quy định hướng dẫn các luật mới…

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...