Theo ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc G7 Taxi, Hà Nội hiện có 70 hãng xe taxi và khoảng 17.000 xe. Tuy nhiên, có rất ít hãng taxi có số lượng trên 1.000 xe nên khó cạnh tranh được với taxi công nghệ Grab.
Thừa nhận, thị trường vận tải taxi tại Việt Nam đang trải qua giai đoạn cạnh tranh khốc liệt giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, ông Quân cho rằng, trong 3 năm qua, các nhà quản lý đang tìm lời giải cho bài toán định danh taxi công nghệ và quản lý. Taxi truyền thống gặp phải những thách thức lớn do sự tăng lên nhanh chóng về số lượng của taxi công nghệ vốn nằm ngoài quy hoạch giao thông của các thành phố lớn.
“Trước những thách thức đó, các đơn vị taxi truyền thống không chỉ phải thay đổi bằng cách đầu tư công nghệ, dịch vụ để giữ chân khách hàng mà còn phải tìm ra mô hình hoạt động mới để cạnh tranh trong hoàn cảnh số lượng taxi công nghệ đang gấp hơn nhiều lần số lượng taxi của mỗi hãng taxi đơn lẻ.” ông Quân nói.
Qua nghiên cứu các mô hình phát triển của các nước phát triển trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp… G7 Taxi đã ra đời dưới mô hình là đơn vị chỉ phát triển thương hiệu mà không sở hữu một phương tiện nào.
Theo đó, G7 Taxi sử dụng sức mạnh tài chính để phát triển thị trường, khách hàng và hợp tác với các đơn vị có thương hiệu tốt, người lái tốt, phương tiện tốt và tài chính tốt để cung cấp dịch vụ vận tải cho khách hàng.
Bên cạnh đó, G7 Taxi là một trong những đơn vị áp dụng mức giá cước cạnh tranh nhất trên thị trường khi niêm yết mức giá cước chỉ từ 9.900 đồng/km và không áp dụng tăng giá giờ cao điểm.
Theo tính toán của đơn vị, mức giá cước này là một trong những đơn vị có mức giá cước thấp nhất tại thị trường Hà Nội, thấp hơn phần lớn mức cước mà Grab áp dụng ngay cả trong giờ thấp điểm. Việc áp dụng mức giá cước này nhờ việc thị trường mở rộng, lái xe chạy rỗng ít hơn nên G7 taxi có thể áp dụng mức giá cước thấp, không tăng giá, thuận lợi nhất cho người tiêu dùng.
Sau khi hợp tác với 3 đơn vị với số lượng phương tiện khoảng 3.000 xe, G7 Taxi trở thành thương hiệu taxi có số lượng taxi lớn nhất tại Hà Nội. Với phạm vi hoạt động trải khắp 12 quận nội thành, sẽ rất thuận tiện cho khách hàng có thể gọi đặt xe hoặc nhìn thấy bóng mào xanh của G7 taxi trên các cung đường để vẫy sử dụng.
“Theo tính toán của đơn vị, trung bình khách hàng chỉ cần chờ 2 phút là xe sẵn sàng đến điểm để phục vụ và điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc hành khách tiếp cận xe cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ,” Tổng giám đốc G7 Taxi Nguyễn Anh Quân cho hay.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, thương hiệu G7 Taxi ra mắt là bước chuyển biến áp dụng công nghệ thông tin minh bạch thông tin quyền lợi khách hàng và chất lượng dịch vụ
Chỉ ra việc cạnh tranh taxi truyền thống với Uber, Grab diễn ra thời gian qua do những bất cập cơ chế quản lý trong giai đoạn thí điểm, ông Quyền cho rằng, taxi truyền thống cạnh tranh trong thị trường có nhiều thiệt thòi, chưa được đối xử bình đẳng nên bị thu hẹp và lép vế về thị trường. Do đó, cơ quan quản lý Nhà nước sửa đổi Nghị định 86 định danh tên gọi Grab là taxi sẽ giúp tạo hành lang pháp lý taxi truyền thống và taxi công nghệ cạnh tranh bình đẳng lành mạnh, phát triển bền vững.
Đánh giá Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 không phải là rào cản hay cản trở áp dụng công nghệ taxi mà là khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước áp dụng công nghệ quản lý vận tải, tuy nhiên, vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nhìn nhận là chưa đủ vì ngoài việc áp dụng công nghệ còn là hành lang pháp lý cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, tránh điều bất hợp lý giữa các hãng taxi công nghệ và truyền thống.