30 năm đón vốn FDI: Doanh nghiệp Việt vẫn thiếu tự tin

Sau gần 30 năm “đón” vốn FDI, nước ta đã có hơn 23.000 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 300 tỷ USD...
30 năm đón vốn FDI: Doanh nghiệp Việt vẫn thiếu tự tin

Sau gần 30 năm “đón” vốn FDI, nước ta đã có hơn 23.000 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký trên 300 tỷ USD, trong đó tổng số vốn thực hiện đạt khoảng 161 tỷ USD.

Khối doanh nghiệp FDI đã góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tiến trình hội nhập quốc tế của nước ta. Đáng chú ý, khu vực FDI hiện chiếm đến 72% kim ngạch xuất khẩu. Đó là những đóng góp không thể phủ nhận đối với FDI.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, hoạt động FDI cũng đã bộc lộ những mặt hạn chế, như khu vực FDI quá mạnh và phát triển riêng rẽ, lấn át doanh nghiệp trong nước, tác động lan toả của FDI sang khu vực kinh tế trong nước hạn chế, một số máy móc thiết bị công nghệ lạc hậu đã được nhập khẩu, gây ô nhiễm môi trường, nghi án chuyển giá…

Còn lại gì nếu FDI ra đi?

Phát biểu tại hội thảo được tổ chức tại trung tâm hội nghị FLC Vĩnh Thịnh - tỉnh Vĩnh Phúc cuối tuần qua, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, trong cơ cấu GDP, đóng góp của FDI rất lớn, tuy nhiên đóng góp cao không có nghĩa là khu vực này sẽ lan toả vào độ sâu của nền kinh tế.

“Doanh nghiệp FDI ở Việt Nam đem lại lợi gì ngoài những gì chúng ta nhìn thấy được như đóng góp ngân sách, tăng trưởng… Vấn đề là tác động lan toả chiều sâu của FDI đến khu vực trong nước, tức là sau khi họ đi sẽ để lại những cái gì?”, bà Tuệ Anh nói.

Theo vị chuyên gia, so sánh năng suất lao động của doanh nghiệp FDI với các khu vực khác, thì khu vực FDI có năng suất cao nhất. Nhưng đối với Việt Nam không phải là vấn đề tăng trưởng kinh tế mà cái sâu xa là tăng năng suất lao động, điều đó mới là cần thiết. Tới đây tăng trưởng kinh tế dựa rất nhiều vào năng suất lao động. Năng suất FDI có lan toả vào khu vực trong nước không?

Bà Tuệ Anh còn đưa ra luận điểm, doanh nghiệp FDI lấn át doanh nghiệp tư nhân không nhưng ở mức độ khác nhau. Có bằng chứng về việc tăng vốn FDI trong cùng ngành, sẽ dẫn đến làm tăng xác suất đóng cửa của doanh nghiệp tư nhân do cạnh tranh gây ra.

“Theo tính toán, cứ tăng 1% doanh nghiệp FDI ở các ngành liên kết xuôi, sẽ làm giảm xác suất đóng cửa của doanh nghiệp tư nhân ở mức 10,5%. Cứ tăng 1% doanh nghiệp FDI ở các ngành liên kết ngược có thể dẫn đến làm tăng xác suất đóng cửa lên 15,4%”, bà Tuệ Anh dẫn chứng một nghiên cứu của CIEM cho biết.

Trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn nói, trước đây cứ 10 đồng xuất khẩu của Việt Nam thì 5 đồng thuộc về doanh nghiệp FDI, nhưng đến nay con số này là 7,5 đồng.

"Hàng năm, chúng tôi đều có những cuộc điều tra, trong đó cho thấy, các doanh nghiệp FDI chỉ mua khoảng 26,6% thiết bị, đầu vào từ doanh nghiệp Việt, còn lại là nhập khẩu và nhập từ công ty mẹ. Sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI và trong nước rất khiêm tốn. Dù có chuyển động nhưng rất chậm chạp”, ông Tuấn nói.

Đáng nói là những doanh nghiệp có giá trị gia tăng cao kết nối với doanh nghiệp trong nước ngày càng hạn chế. Vậy điều gì cản trở? Theo ông Tuấn, liên kết còn yếu do 3 yếu tố. Một là chất lượng nhân lực chưa đáp ứng. Hai là trình độ công nghệ và khả năng hấp thụ công nghệ. Ba là khoảng cách địa lý ảnh hưởng rất lớn.

Lương khối doanh nghiệp FDI trả cho nhân công khoảng 7 đến 8 triệu/người/tháng, doanh nghiệp nhỏ không đủ sức cạnh tranh. Khoảng cách giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI cũng rất lớn và năng lực cạnh tranh cũng rất kém.

Do vậy, theo ông Tuấn, Nhà nước cần có một chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.

"Yếu tố hàng đầu, quan trọng nhất của Việt Nam hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài là chi phí rẻ. Trong 10 yếu tố hấp dẫn hàng đầu không có yếu tố nào về chất lượng điều hành, chỉ toàn là chi phí rẻ. Nhưng yếu tố chi phí rẻ này sẽ dần mất đi khi chi phí lương tăng lên, đất đai không còn quá sẵn, hết dần, môi trường bị siết chặt lại... Liệu Việt Nam có còn là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nữa hay không?”, ông Tuấn đặt câu hỏi.

Doanh nghiệp Việt thiếu tự tin

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, nhược điểm chính của FDI đó chính là tác động lan toả. Tại Việt Nam, tác động lan toả chưa được như kỳ vọng, kém xa các nước xung quanh. Việt Nam có 21% doanh nghiệp nội địa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó ở Thái Lan tỷ lệ này là 30%, ở Malaysia là 46%.

"Xe máy sản xuất tại Việt Nam có sản lượng 3 triệu xe/năm, tỷ lệ nội địa hoá trên 80% và đã có xe máy “Made in Việt Nam” song chúng ta lại thất bại với chiến lược ôtô, tỷ lệ nội địa hoá của ngành này hiện còn thấp. Tại sao xe máy nội địa hoá là 80% còn ôtô chỉ khoảng 10%. Như vậy làm thế nào để thích ứng công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam là một vấn đề của tác động lan toả”, GS. Nguyễn Mại nói.

GS. Nguyễn Mại kể đã tiếp xúc với nhiều giám đốc làm cho doanh nghiệp Nhật, Mỹ, và Hàn Quốc. Theo họ, muốn thành công thì cần phải có sự tự tin. Các doanh nghiệp Việt rất hay tự ti.

Ông Bang Hyun Woo, Phó tổng giám đốc Samsung Vietnam cho biết, các doanh nghiệp Việt thiếu tự tin, ít chủ động.

"Samsung không phải lớn mà là rất lớn, đóng góp 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đất nước. Muốn trở thành nhà cung cấp của chúng tôi phải đạt được một số điều kiện song chúng tôi vẫn luôn phải tự đi tìm các doanh nghiệp Việt để trở thành nhà cung cấp cho mình. Tôi mong các doanh nghiệp Việt Nam có thể tự tin hơn để trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi giá trị của Samsung”, ông Bang nói.

Ông Bang nói để trở thành các nhà cung cấp cấp 1 cho Samsung là bài toán không hề đơn giản bởi sản phẩm của Samsung xuất khẩu ra toàn cầu đòi hỏi sự tin tưởng và chất lượng cao. Song các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không nên tham vọng làm nhà cung cấp cấp 1 của Samsung mà trước tiên, hãy làm nhà cung cấp cấp cấp 2, cấp 3. Sau một thời gian tích luỹ kinh nghiệm, chất lượng, thì doanh nghiệp sẽ có đủ tự tin hơn để trở thành nhà cung cấp cấp 1.

Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng Ban Kế hoạch chiến lược của Toyota Việt Nam cho biết, công ty đã đầu tư và phát triển ở Việt Nam 20 năm. Công nghiệp ôtô xe máy thì thành lập gần như cùng thời điểm nhưng xe máy nội địa hoá được 80% còn ôtô chỉ khoảng 20%.

Ông Tuấn lý giải, vấn đề không phải ở công nghệ mà ở sản lượng. Sản lượng ôtô tại Việt Nam tăng trưởng rất thấp. Hồi Toyota mới thành lập, sản lượng chỉ là vài chiếc xe một ngày. Đến nay tổng sản lượng tô ở Việt Nam đạt 300.000 chiếc mỗi năm, trong đó Toyota có khoảng 50.000 chiếc với 4 mẫu xe.

"Sản lượng thấp nên rất khó nội địa hoá. Nội địa hoá không phải là thành tích mà để giảm giá thành. Trong ngành ôtô, nếu sản lượng nhỏ thì dù nội địa hoá, giá vẫn sẽ rất cao. Do đó doanh nghiệp trong nước rất khó để cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Thái Lan xuất khẩu sang Việt Nam”, ông Tuấn nói.

Theo Vneconomy.vn

Có thể bạn quan tâm

VACOD-HBA xây đắp nhịp cầu kết nối doanh nghiệp Việt - Nga

VACOD-HBA xây đắp nhịp cầu kết nối doanh nghiệp Việt - Nga

Chuyến công tác và những thỏa thuận hợp tác với VACOD-HBA được đối tác Nga, đặc biệt là chính quyền thành phố Saint Petersburg hết sức coi trọng. Những hoạt động của đoàn tại Nga đã gây được ấn tượng sâu đậm với các đối tác Nga...