Việc tạo động lực thúc đẩy sự phát triển giữa các bộ phận và nhân viên trong công ty là rất quan trọng và hầu hết các chủ doanh nghiệp đều hiểu điều này. Nhưng, đôi khi họ thường đưa ra những chiến lược viễn vông và thiếu thực tế, dẫn đến thất bại trong các chính sách nội bộ. Làm sao để tháo gỡ vướng mắc này?
Xây dựng cấu trúc nội bộ chuẩn mực cho doanh nghiệp
Một cơ cấu doanh nghiệp hoàn chỉnh với quy trình và chính sách rõ ràng sẽ giúp nhân viên yên tâm phát huy năng lực của mình, tạo động lực cho họ tập trung vào các dự án mang tính sáng tạo và có tầm vóc hơn.
Xây dựng văn hóa lắng nghe và đóng góp ý kiến
Ở cương vị là người điều hành doanh nghiệp, bạn nên xây dựng văn hóa tôn trọng ý kiến đóng góp của mọi thành viên trong công ty, khuyến khích mọi người cùng tham gia bày tỏ quan điểm để chọn ra hướng đi đúng nhất. IBM thường tổ chức những cuộc hội thảo trực tuyến với tất cả các thành viên của tập đoàn nhằm mục đích thu thập các ý tưởng mới. Cuộc hội thảo năm 2006 của IBM thu hút đến 150,000 nhân viên cùng thân nhân của họ, các đối tác kinh doanh, khách hàng và các nhà nghiên cứu đến từ nhiều trường đại học trên thế giới. Ngoài ra, nếu công ty bạn có giải thưởng cho người có ý tưởng xuất sắc nhất, các ý kiến đóng góp chắc chắn sẽ tăng lên nhiều.
Khuyến khích đa dạng hóa nguồn nhân lực
Nhân viên của công ty bạn càng đa dạng về xuất phát điểm thì họ càng mang lại cho công ty nhiều ý tưởng phong phú. Vì vậy, bạn nên lưu ý đến đặc điểm đa dạng nguồn nhân lực của công ty trong quá trình tuyển dụng để phát huy tối đa sự đóng góp ý tưởng của họ.
Đặc điểm chung của các chủ doanh nghiệp là họ cảm thấy không thỏa mãn hoặc tù túng khi phải làm việc dưới sự điều hành của người khác và đó là lý do họ từ bỏ cuộc đời của kẻ làm thuê. Điều này tương tự đối với các nhà sáng lập tập đoàn Adobe. Họ dám từ bỏ công việc làm công ăn lương trước đây của mình để gầy dựng nên tập đoàn chuyên về phần mềm nổi tiếng trên toàn thế giới như hiện nay với doanh số ngất ngưởng 3 tỷ USD. Bài học rút ra ở đây là chính sách đãi ngộ của công ty và sự thăng tiến trong sự nghiệp là động lực giữ chân các nhân viên nòng cốt ở lại và hết mình cống hiến.
Tranh thủ sự ưu đãi từ Chính phủ
Đơn cử như ở Mỹ chẳng hạn, bạn có thể tranh thủ tìm kiếm các chính sách ưu đãi về thuế hay các nguồn tài trợ từ chính phủ nhằm phát triển các ý tưởng kinh doanh mới và giới thiệu rộng rãi ra thị trường.
Những chủ doanh nghiệp có chiến lược nội bộ tốt luôn ý thức được rằng khả năng thất bại là một phần gần như tất yếu của bất kỳ kế hoạch mạo hiểm nào trong kinh doanh. Nếu nhân viên đưa ra sáng kiến mà kết quả thực hiện không mấy khả quan thì chủ doanh nghiệp cũng không vì thế mà khiển trách hay quy trách nhiệm cho họ.
Theo Nữ doanh nhân