Việc bị phân tâm thoạt trông có vẻ vô hại, nhưng theo thời gian, những hậu quả để lại sẽ rất lớn: suy giảm năng suất, giảm doanh thu, và để lại cảm giác day dứt khó chịu vì bỏ lỡ các cơ hội.
Trên Entrepreneur, những thành viên của The Oracles – một nhóm những doanh nhân hàng đầu thế giới chuyên chia sẻ những lời khuyên và chiến lược thành công – đã chia sẻ những chiến lược giúp mài bén và duy trì khả năng tập trung, đánh bại những tác nhân phiền nhiễu một lần và mãi mãi.
1. Nghĩ về sự cấp bách và nỗi tiếc nuối
Bạn không bao giờ biết được ngày cuối cùng sẽ đến vào lúc nào, vì vậy hãy sống với mức độ cấp bách cần thiết để biến những ý tưởng và ước mơ thành sự thật. Đừng đợi đến ngày cuối cùng để rồi tiếc nuối rằng mình đã không làm điều gì đó ý nghĩa.
Hãy nhận thức rõ ràng về điều mình muốn, sau đó bỏ lại phía sau những nghi ngờ và sợ hãi bằng cách nhanh chóng đưa ra những hành động lớn. Tôi thường chơi một “trò chơi tinh thần”, đó là mỗi ngày đều lưu giữ lại điểm số của những lần mình chơi tốt.
Lewis Howes – cựu vận động viên chuyên nghiệp, doanh nhân, tác giả sách bán chạy trên New York Times.
2. "Trốn" vào một nơi bí mật
Là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhu cầu ở trong văn phòng của tôi rất lớn. Bất chấp quyết tâm tập trung và chú tâm làm một việc gì đó, cuối cùng, tôi luôn bị gián đoạn bởi một việc khác.
Các tổ chức thường có xu hướng đẩy các quyết định về phía nhà lãnh đạo. Vì vậy, chiến thuật số 1 của tôi để có được sự tập trung tuyệt đối là dùng một đến 2 ngày mỗi tuần ở bên ngoài văn phòng, ở một nơi bí mật. Ở nơi hoàn toàn không có sự phân tâm đó, tôi sẽ suy nghĩ và thực hiện những việc quan trọng, và hoàn thành những phần việc đòi hỏi sự sáng tạo.
Để tối đa hóa hiệu suất, về mặt thể chất, tôi chuẩn bị làm việc sâu bằng một “nghi thức tập trung” bao gồm hít thở sâu và hình dung trạng thái cuối cùng mà mình mong muốn đạt được. Tôi chia thời gian làm việc ra thành từng “phiên” 45 phút, rồi giữa các “phiên” đó, tôi sẽ thực hiện một số động tác thể dục và yoga.
Sự tập trung phải được rèn luyện. Bằng cách tạo ra những khoảng thời gian và không gian đặc biệt để tập trung làm việc, bạn sẽ rèn luyện cho não làm việc tốt hơn.
Mark Divine – cựu chỉ huy đội đặc nhiệm Hải quân Mỹ Navy SEAL, tác giả sách bán chạy trên New York Times và Wall Street Journal, nhà sáng lập SEALFIT và Unbeatable Mind.
3. Cân nhắc việc nắm bắt các cơ hội
Có một cái bẫy là, bạn nghĩ rằng mình càng thành công, càng nhiều cơ hội tốt sẽ đến. Những cơ hội đó có thể rất tốt, nhưng không phù hợp với bạn ở thời điểm đó. Một cơ hội tuyệt vời đến sai thời điểm cũng chỉ là thứ gây xao lãng.
Hãy luôn tự hỏi chính mình: “Đây có phải là một cơ hội tốt, ngay lúc này?”. Nếu không, hãy cài đặt chế độ tự động nói “Không”. Câu hỏi này sẽ giữ cho bạn không bị bước vào một “vùng xám” – nơi mà những cơ hội tốt trở thành những sự cam kết đầy áp lực.
Nếu bạn không có khả năng nói “Không” với những điều gây xao nhãng dạng này, hãy lập một “hội đồng cố vấn” gồm 2 đến 3 người biết rõ bạn, hiểu những mục tiêu của bạn, và có đầu óc kinh doanh tốt. Sau đó, nói rõ với họ ngay từ đầu về mọi cơ hội đến với bạn.
Chiến thuật này cũng giúp cho việc nói “Không” trở nên dễ dàng hơn. Nói cách khác, hãy “đùn đẩy” việc ra quyết định cho “hội đồng cố vấn” của bạn.
Chris Harder – nhà sáng lập và CEO của For the Love of Money.
4. Kháng cự lại nỗi thôi thúc “làm tất cả mọi thứ”
Hãy loại bỏ mọi thứ không cần thiết ra khỏi cuộc sống của mình, hoặc chỉ đơn giản là thực hiện một sự chuyển hướng cần thiết. Rồi bạn sẽ chỉ còn giữ lại những thứ xứng đáng được hoàn thành.
Có một lỗi chung nhiều doanh nhân mắc phải: họ đảm đương quá nhiều thứ một lúc. Rồi họ nhanh chóng cảm thấy quá tải và cảm thấy tội lỗi vì không có đủ sự tập trung cho bất kỳ thứ gì.
Có một giải pháp đơn giản là thiết lập chế độ ưu tiên cho mọi phần việc. Hãy chỉ chọn một thứ - thứ quan trọng nhất để hoàn thành, thậm chí dù nó có khó khăn và “phát nản” đến đâu. Rồi tập trung làm cho đến khi xong. Sau đó mới chuyển sang phần việc tiếp theo.
Kenny Rueter – nhà đồng sáng lập của Công ty dịch vụ phần mềm máy tính Kajabi.
5. Tìm ra thứ gì đó để… bị ám ảnh
Khi bạn tìm thấy thứ gì đó mình yêu thích, sự tập trung sẽ đến một cách tự nhiên. Khi tôi bắt đầu sự nghiệp với vai trò một luật sư dân sự, tôi làm rất tốt nhưng tôi không thích nó. Trong khi đó, nếu người quen gặp rắc rối về các vấn đề hình sự, họ khăng khăng muốn tôi là người đại diện cho họ, thậm chí khi tôi chưa có kinh nghiệm về bào chữa hình sự. Tuy nhiên, tôi đã làm rất tốt trong mọi trường hợp vì tôi bị ám ảnh bởi kết quả và quan tâm đến cuộc sống các khách hàng của mình.
Tuy nhiên, cộng sự của tôi thời điểm đó không muốn tôi theo đuổi các vụ án hình sự, vì thế tôi miễn cưỡng phải tiếp tục làm ở lĩnh vực dân sự. May mắn thay, tôi đã tìm thấy một nỗi ám ảnh khác, đó là viết lách. Tôi viết sách về yoga cho trẻ em và về những kinh nghiệm của tôi về xe hơi và đua xe. Tôi viết một cách dễ dàng vì tôi bị ám ảnh bởi nó, và nó giúp tôi bù đắp lại cho sự không thỏa mãn trong công việc.
Cuối cùng, khi tôi bắt đầu làm luật sư bào chữa hình sự toàn thời gian vào năm 2014, công việc này khiến tôi khó mà không tập trung. Nó trở thành một “nỗi ám ảnh đẹp” của tôi.
Nafisé Nina Hodjat – nhà sáng lập Công ty dịch vụ pháp lý The SLS Firm.
6. Tạo ra một "chiến lược tập trung"
Từng phương pháp duy trì sự tập trung của các doanh nhân đều là độc nhất. Tôi đã kết hợp những chiến lược này lại để tối đa hóa hiệu suất.
- Bước đầu tiên là kết bạn với stress. Stress không phải là kẻ thù, nó là một công cụ giá trị nếu bạn khai thác sức mạnh của nó. Năng lực tinh thần của bạn được nâng cao khi bạn bị đẩy vào một vấn đề khó khăn hoặc khi phải giải quyết deadline (hạn chót) công việc.
- Bước hai là rèn luyện thói quen thức dậy sớm hơn một tiếng so với trước đây. Và hãy bắt đầu một ngày làm việc với những bài tập hít thở và thiền định. Đừng cho phép “thế giới kỹ thuật số” kiểm soát một tiếng đồng hồ đầu tiên của bạn trong ngày.
- Bước ba: Chia thời gian làm việc thành từng “phiên” 90 phút. Hãy tìm hiểu về các vòng lặp sinh học của cơ thể trong một chu trình 24 giờ, xem lúc nào chúng ta làm việc một cách tràn trề năng lượng nhất, và sau đó sắp xếp các phần việc quan trọng và năng suất nhất vào các “phiên” phù hợp. Dành 25 phút để nghỉ ngơi vào cuối mỗi “phiên”.
- Bước bốn: Tìm cách để “sạc lại” cơ thể, cảm xúc và tâm trí. Bạn có thể đi bộ một chút (“sạc” cơ thể), thực hành lòng biết ơn (“sạc” cảm xúc), tắt điện thoại (“sạc” tâm trí).
- Bước năm là tối ưu hóa giấc ngủ. Ngủ không khiến bạn xao nhãng khỏi công việc, ngược lại, nó là cách tự nhiên để tái tạo năng lượng. Việc ngủ 8 tiếng/đêm chỉ là một gợi ý tương đối. Tôi ngủ 6 tiếng cộng với một giấc ngủ trưa ngắn khoảng 25 phút mỗi ngày, đó là mức độ ngủ lý tưởng của tôi.
Nik Halik – nhà đầu tư thiên thần, CEO của 5 Day Weekend.
7. Đừng đuổi theo 2 con thỏ
Bất kể làm việc gì, hãy tập trung hoàn toàn vào nó. Bằng không, bạn sẽ thấy mình đang ở nhà suy nghĩ về công việc, và nghĩ về chuyện gia đình khi đang đi làm. Bạn làm việc dựa trên cách tiếp cận vĩ mô về tầm nhìn của công ty, rồi thấy như mình đang bỏ bê những hoạt động thường ngày. Hoặc bạn chỉ tập trung vào các hoạt động thường ngày, rồi thấy như mình đang bỏ lỡ một cơ hội để mở rộng quy mô doanh nghiệp.
Đó không phải là do bạn không thể đa nhiệm hoặc là do các nhiệm vụ này loại trừ lẫn nhau. Thực tế, bạn có thể làm nhiều thứ, chỉ là không thể làm cùng lúc. Cách để tập trung của tôi là phân chia, sắp xếp thời gian hợp lý trực tiếp trên lịch làm việc. Tôi lên lịch để làm việc, ở bên gia đình, suy nghĩ, đọc, trả lời email, và thậm chí để… không làm vì cả. Cách này có vẻ cứng nhắc nhưng nó có thể tạo ra sự tự do tuyệt vời.
Tom Shieh - CEO của Công ty tuyển dụng nhân sự Crimcheck.
8. Tạo ra một văn hóa tập trung cao độ
“Bạn không thể dựa vào đôi mắt của mình khi mà sự tưởng tượng của bạn đã nằm ngoài sự tập trung” – đại văn hào Mark Twain.
Trong thế giới cạnh tranh khốc liệt ngày nay, nếu bạn muốn tạo ra điều gì đó đặc biệt, sự tập trung cao độ không chỉ là việc nên làm, mà nó phải trở thành cách suy nghĩ của toàn bộ công ty/tổ chức. Đó là cách duy nhất để tránh đánh mất sự khác biệt cốt lõi của mình.
Sự tập trung cao độ chỉ đạt được trong toàn bộ công ty khi mỗi cá nhân hiểu mục đích của họ trong công ty và xác định ra những mục tiêu rõ ràng, có thể đo lường, để đạt được mục đích đó.
Mỗi ý tưởng hoặc cơ hội mới phải được thúc đẩy thông qua “bộ lọc tập trung cao độ” đó. Nếu một dự án không đóng góp gì vào mục đích của bạn, đừng nên triển khai nó.
Peter Hernandez – nhà sáng lập và Chủ tịch của Công ty bất động sản Teles Properties.
“Người đuổi theo 2 con thỏ sẽ không bắt được con nào cả.
– Ngạn ngữ Trung Quốc -