Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – CTG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2018.
Trong quý 3/2018, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 2.330 tỷ đồng, giảm nhẹ 3,7% so với cùng kỳ. Mặc dù các hoạt động kinh doanh trong kỳ đều có kết quả khả quan hơn nhưng việc tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tới 86% lên 3.378 tỷ đồng đã dẫn tới việc lợi nhuận giảm so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong quý 3, thu nhập lãi thuần của VietinBank tăng 16,7% đạt 7.507 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ đột phá khi có lãi 787 tỷ đồng, tăng 110%; hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 11% đạt lãi 182 tỷ; hoạt động mua bán chứng khoán có lãi 150 tỷ (cùng kỳ bị lỗ 14 tỷ). Thu nhập từ góp vốn mua cổ phần tăng 22% đạt 120 tỷ. Chỉ riêng lãi từ hoạt động khác giảm nhẹ 1,6% đạt 543 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 7.596 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Với mức lợi nhuận này, VietinBank đứng thứ 3 trong hệ thống, xếp sau Techcombank (7.774 tỷ đồng) và Vietcombank (11.683 tỷ đồng).
Hoạt động dịch vụ và mua bán chứng khoán là 2 mảng kinh doanh tăng trưởng mạnh nhất trong 3 quý đầu năm của VietinBank, lần lượt đạt lãi 1.986 tỷ đồng và 493 tỷ đồng, tăng 55% và 126% so với cùng kỳ. Thu nhập góp vốn mua cổ phần sụt giảm mạnh 50%, chỉ đạt 331 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh cốt lõi tín dụng có thu nhập lãi thuần tăng 10,2% đạt 21.948 tỷ đồng.
Chi phí dự phòng cả 9 tháng tăng 25% lên 8.330 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tăng nhẹ 6,5% lên 10.699 tỷ. Trong đó, chi lương và phụ cấp cho nhân viên tăng 10,9% đạt 5.394 tỷ đồng.
Đến cuối tháng 9/2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 7,2% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 11,9% đạt 875.799 tỷ đồng, tiền gửi tại NHNN giảm mạnh 62% xuống còn 7.991 tỷ.
Tiền gửi của khách hàng tại VietinBank tăng 9,7% trong 9 tháng, đạt 825.749 tỷ đồng. Kho bạc Nhà nước tiếp tục gửi thêm hơn 10.400 tỷ đồng vào VietinBank trong quý 3, nâng lượng tiền gửi của cơ quan này tại VietinBank lên 56.829 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá tăng 82,7% lên hơn 41.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là trái phiếu hữu danh và chứng chỉ tiền gửi.
Nợ xấu cuối quý 3 đứng ở mức 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ tương đương với 34,6% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng từ mức 1,14% hồi đầu năm lên 1,36%. Nợ nhóm 5 – nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ trọng lớn nhất (72%) trong cơ cấu nợ xấu và cũng là nhóm nợ tăng mạnh nhất trong 9 tháng đầu năm nay tại VietinBank (tăng 68% lên 8.739 tỷ đồng).
Theo Diệp Trần/Trí thức trẻ