ABBank "im lặng" với lời kêu gọi hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi

Trong lúc cả ngành ngân hàng căng sức để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sớm ổn định hoạt động sản xuất sau cơn bão, thì ABBank vẫn chỉ "im lặng"...

ABBank "im lặng" với lời kêu gọi hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi

Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo gửi Quốc hội về các nội dung đại biểu chất vấn liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, trong đó có đề cập đến các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi).

Cụ thể, cơ quan này cho biết, theo báo cáo của 26 Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, có khoảng 124 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng với dư nợ là khoảng 192 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,1% tổng dư nợ trên địa bàn.

Theo đó, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 4 văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn giảm lãi vay, hạ lãi suất; tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai tổ chức hội nghị trực tuyến với UBND 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 để triển khai các giải pháp của ngành ngân hàng hỗ trợ tháo khó khăn giúp người dân doanh nghiệp bị ảnh hưởng sớm khôi phục sản xuất và ổn định đời sống.

Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã ngay lập tức ban hành và công bố công khai các chương trình, các gói tín dụng nhằm kịp thời hỗ trợ, khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra, tạo điều kiện khách hàng khôi phục và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đến nay ngành ngân hàng đã công bố quy mô hỗ trợ 405.000 tỷ đồng cho vay mới và hạ lãi suất, trong đó dành khoảng 300.000 tỷ đồng cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh. Mức giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu từ 0,5%- 2%/năm, mức lãi suất cho vay đối với các khoản giải ngân mới ngắn hạn từ 5%- 6,7%, trung dài hạn từ 5,5% - 8%/năm. Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng có chương trình riêng để hỗ trợ.

Trong khi cả ngành ngân hàng ra sức hết mình để hỗ trợ người dân thì vẫn còn một vài đơn vị "im lặng". Theo Ngân hàng Nhà nước, trong danh sách cơ quan này mời họp hội nghị thì có một số ngân hàng chưa có thông tin về chính sách hỗ trợ như Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank), Ngân hàng TNHH MTV Wooribank, Ngân hàng TNHH MTV CIMB Việt Nam...

Với thông tin trên, nhiều quan điểm cho rằng, Wooribank và CIMB Việt Nam thuộc nhóm ngân hàng 100% vốn nước ngoài nên việc chậm đưa ra chính sách hỗ trợ là điều có thể thông cảm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh cơn bão Yagi đã làm 318 người chết, 26 người mất tích, 1.976 người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, với tổng mức thiệt hại cho nền kinh tế lên tới 81.000 tỷ đồng, việc ABBank đang báo lãi trước thuế tận 558 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2024 nhưng chưa đồng lòng về chính sách hỗ trợ là một sự "im lặng đáng sợ".

Điều đáng nói, trong những công bố phát đi trước đây, ABBank đều thường xuyên nhấn mạnh vẫn tăng cường các giải pháp giúp khách hàng và doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn.

Quay lại với báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cho biết thêm, hiện nay đang xây dựng dự thảo để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và gửi xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân đối với Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ do ảnh hưởng của cơn bão số 3.​

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...