Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 103/CĐ-TTg về hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.
Nội dung công điện, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong việc phát triển nhanh và bền vững, hoàn thiện khung pháp lý về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo để tạo ra cơ hội đột phá cho phát triển đất nước.
Đối với hoạt động của doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan từ Trung ương đến địa phương tiếp tục nỗ lực, quyết liệt thực hiện theo thẩm quyền các giải pháp, nhiệm vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trong những tháng, năm tới; trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Để thúc đẩy tăng trưởng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới).
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước khẩn trương chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả gói tín dụng 140 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, chương trình tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản,…
Các bộ cũng được Chính phủ giao nhiệm vụ nhằm Khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh nội sinh của doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng chính sách thuế phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển bền vững, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách giảm thuế, gia hạn nộp thuế đã ban hành; đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp theo đúng quy định pháp luật.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách phát triển doanh nghiệp nhanh, toàn diện, bền vững, nhất là các cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát huy sức mạnh nội sinh của doanh nghiệp, đóng góp cho nền kinh tế, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho nhân dân.
Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi số. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng thể chế quản lý trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam, trước mắt tập trung vào quy tắc đạo đức, khung quản trị, quản lý rủi ro, khung thẩm định, đánh giá sản phẩm và hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về AI.
Bộ Công Thương tăng cường hỗ trợ xúc tiến thương mại để đa dạng hóa sản xuất, đa dạng hóa thị trường chuỗi cung ứng,… thúc đẩy doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Nghiên cứu tổ chức các chương trình hội chợ, ngày hội tiêu dùng để kích cầu tiêu dùng và các hình thức khác để tăng sức mua của thị trường nội địa.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách về tuần hoàn tài nguyên để thúc đẩy chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, giảm thiểu carbon.
Lãnh đạo các địa phương cần chủ động tiếp xúc, chủ động tiếp nhận ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do bão lũ, về tài chính, pháp lý, thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng,… theo các quy định; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc thực hiện hiệu quả Công điện này.