Thêm nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do bão số 3

Nhiều ngân hàng đã áp dụng chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị thiệt hại trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực tiếp bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt sau bão. Mức lãi suất giảm phổ biến từ 0,5-2%/năm tùy đối tượng vay vốn và chính sách riêng của mỗi ngân hàng...

lãi suất

Bão số 3 (Yagi) và mưa lụt sau bão đã gây thiệt hại rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Để hỗ trợ các tỉnh, thành phố, người dân khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn, kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão.

Nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, nhiều ngân hàng đã áp dụng chính sách giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị thiệt hại trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực tiếp bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt sau bão.

GIÃM LÃI SUẤT CHO VAY HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG

Cụ thể, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) thông báo sẽ giảm bình quân 50% lãi suất phải trả trong thời gian từ tháng 9-12/2024 cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Đặc biệt với những khách hàng chịu thiệt hại nặng, khó khăn trong việc khôi phục sản xuất tùy theo mức độ, SHB có thể hỗ trợ 100% lãi suất phải trả trong 4 tháng cuối năm.

Tính đến ngày 19/9, SHB có 251 khách hàng bị ảnh hưởng, trong đó có 194 khách hàng cá nhân và 57 khách hàng doanh nghiệp tại một số tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang... Mức lãi suất hỗ trợ chúng tôi ước tính trong khoảng thời gian từ nay đến hết 31/12/2024 là khoảng 40 tỷ đồng (chưa tính khoản hỗ trợ của gói vay 4,5%/năm). Chúng tôi sẽ còn tiếp tục rà soát để có những hỗ trợ tiếp theo cho khách hàng.

Bà Ngô Thu Hà, Tổng giám đốc SHB

Bên cạnh đó, SHB cũng cung cấp gói tín dụng lãi suất chỉ 4,5%/năm với khoản vay mới cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân bị tác động, giúp ổn định đời sống và hồi phục sản xuất sau thiên tai.

Cùng ngày, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) ngày 20/9 thông báo giảm 1% lãi suất vay VND và 0,5% lãi suất vay USD đối với khách hàng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ cơn bão số 3, nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn, tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh sau bão.

Chương trình áp dụng từ nay đến 31/12/2024 với quy mô gói tín dụng là 1.000 tỷ đồng. Đối tượng áp dụng là khách hàng doanh nghiệp hiện hữu của MSB bị thiệt hại bởi bão cơn bão số 3 và khách hàng mới có nhu cầu vay vốn nhằm tái thiết hoạt động sản xuất kinh doanh sau bão.

Theo MSB, thời gian áp dụng lãi suất ưu đãi của chương trình đối với khách hàng được quy định như sau: từ thời điểm áp dụng tới hết thời hạn khoản vay đối với khoản vay ngắn hạn và tối đa 12 tháng kể từ thời điểm áp dụng đối với khoản vay trung và dài hạn.

Cũng trong tuần qua, MSB đã giảm 1% lãi suất vay đối với doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bão lũ, nhằm chung tay tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão.

Tương tự, tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), từ nay đến cuối năm 2024, lãi suất cho vay cũng được giảm đến 2%/năm đối với dư nợ hiện hữu hoặc dư nợ mới. Đồng thời, ngân hàng giảm thêm 50% phí dịch vụ và miễn phí tất toán trước hạn.

Trước đó, hàng loạt ngân hàng đã nhanh chóng triển khai các ưu đãi, đặc biệt là giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hữu, giúp khách hàng giảm áp lực trả nợ như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt (BVBank)... Mức lãi suất giảm phổ biến từ 0,5-2%/năm tùy đối tượng vay vốn và chính sách riêng của mỗi ngân hàng.

Đặc biệt có một ngân hàng thông báo tạm dừng thu lãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, là Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo đó, ngân hàng này cũng thực hiện gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ đối với các món vay đến hạn trả nợ (triển khai đối với các món vay phát sinh nợ đến hạn từ tháng 9/2024). Thời hạn thông thường tối đa là 12 tháng đối với các khoản cho vay ngắn hạn và tối đa 1/2 thời hạn cho vay đối với các khoản cho vay trung và dài hạn.

SẼ SỚM TRÌNH CHÍNH PHỦ BAN HÀNH THÔNG TƯ GIÃN HOÃN NỢ CHO ĐỐI TƯỢNG THIỆT HẠI BỞI BÃO

Phát biểu bế mạc Hội nghị triển khai các giải pháp tín dụng, ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm trình Chính phủ các cơ chế liên quan để ban hành Thông tư, chính sách giãn hoãn nợ cho đối tượng thiệt hại bởi cơn bão này.

Cụ thể, ông Tú thông tin, Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu và sớm trình Chính phủ cơ chế liên quan thuộc thẩm quyền chính phủ về trích lập, dự phòng rủi ro, mức trích lập, phương pháp trích lập … “Từ đó, làm cơ sở để xây dựng cơ chế, chính sách riêng cho giãn hoãn nợ với đối tượng thiệt hại của cơn bão số 3”, ông nhấn mạnh.

Theo Phó Thống đốc, Thông tư 02 và Thông tư 06 hiện đang có hiệu lực áp dụng có đối tượng, nội dung và nội hàm khác, không thể sử dụng với khách hàng chịu ảnh hưởng từ bão số 3. Các cơ chế như Nghị định 15, Nghị định 116 về giãn hoãn nợ… chỉ áp dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, còn Thông tư 39 lại chưa quy định về việc phân loại nhóm nợ đã giãn, hoãn.

Do đó, Thông tư mới sẽ sẽ không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp, mà còn tác động tích cực tới tình hình tài chính của ngân hàng, tránh để rủi ro nợ trở nên quá phức tạp.

Ngoài giải pháp trên, về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ kịp thời, linh hoạt, đảm bảo kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, hỗ trợ kinh tế vĩ mô.

Ông Tú cũng nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước sẽ đảm bảo bù đắp cho những dòng vốn đang bị đóng băng do ảnh hưởng của bão số 3, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, tăng trưởng kinh tế 6,8 đến 7% như chỉ đạo của Thủ tướng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ sớm ban hành chỉ thị của Thống đốc trong một đến hai ngày tới về kế hoạch cho ngành ngân hàng khắc phục bão lũ để triển khai trên toàn ngành.

Về chỉ đạo cụ thể tới các tổ chức tín dụng, Phó Thống đốc yêu cầu phải đánh giá thiệt hại chuẩn xác, kịp thời, khẩn trương, tránh trường hợp số liệu giữa các tỉnh báo cáo không khớp.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần chỉ đạo chi nhánh về chính sách, chủ động triển khai và thực hiện đúng các chính sách đã công bố, tăng cường chính sách truyền thông đến khách hàng.

Về cơ cấu lại nợ, giãn hoãn và giảm lãi vay, các tổ chức tín dụng cần triển khai khẩn trương nhanh chóng, minh bạch. Ông Tú nhấn mạnh nghiêm cấm hành vi trục lợi, sử dụng chính sách hỗ trợ trong bão để che đậy những vi phạm trước đây.

Các tổ chức tín dụng cần đảm bảo an toàn khi triển khai chính sách, cân bằng giữa hỗ trợ khách hàng và duy trì chất lượng tài sản, ông cho biết. Ngoài ra, Phó Thống đốc đề nghị tổ chức tín dụng tăng cường cho vay lĩnh vực tiêu dùng, hỗ trợ người dân nhanh chóng ổn định đời sống.

Thông tin tại hội nghị, Phó Thống đốc cho biết toàn ngành có 116.000 tỷ đồng dư nợ của hơn 83.000 khách hàng bị ảnh hưởng do cơn bão số 3. Đồng thời, con số này có thể chưa được thống kê hết và dự báo sẽ tiếp tục tăng lên.

Một số tỉnh thành như Yên Bái có tới 18,55% dư nợ bị ảnh hưởng; Hải Phòng là 10,65%, trên tổng dư nợ 234.000 tỷ đồng; Quảng Ninh là 7% trên tổng dư nợ 190.000 tỷ đồng tổng dư nợ; Hải Dương là 8,64%, tương đương 12.000 tỷ đồng ...

Xem thêm

Hai kịch bản cho VN-Index sau tổn thất từ siêu bão Yagi

Hai kịch bản cho VN-Index sau tổn thất từ siêu bão Yagi

Theo nhận định của ABS, tình hình vĩ mô tháng 9 của Việt Nam sẽ xoay quanh hai vấn đề nóng là siêu bão Yagi và hành động của Fed. ABS cũng thiên về kịch bản VN-Index đi ngang trong biên độ 1.165 - 1.185 đến 1.300 điểm...

Xử lý ra sao các trường hợp chiếm đoạt tiền từ thiện, làm giả sao kê và “đu trend” cứu trợ bão lũ?

Xử lý ra sao các trường hợp chiếm đoạt tiền từ thiện, làm giả sao kê và “đu trend” cứu trợ bão lũ?

Dù đóng góp và giúp sức với bất kỳ hình thức nào, người của công chúng nói riêng và người dân nói chung nên có sự tìm hiểu kĩ càng, không nên mang danh từ thiện cứu trợ để trục lợi ngay tại thời điểm khó khăn này, để dẫn đến những hành vi đánh bóng tên tuổi hay phô trương phản cảm...

Có thể bạn quan tâm

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...