ACB lãi gần 9.000 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng 40% so với cùng kỳ

Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 8.968 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ. Tăng trưởng huy động chững lại, dưới mức trung bình ngành.

Theo báo cáo mới đây, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết trong 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 8.968 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt cải thiện từ mức 1,7% và 22,9% lên 2,1% và 25,7%.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng cho vay và huy động có sự sụt giám đáng kể. Cụ thể, tăng trưởng tiền gửi của ACB trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 3,6%, thấp hơn mức 4,3% của toàn ngành; tăng trưởng tín dụng khả quan hơn khi đạt 7,5%, nhỉnh hơn mức 7,2% của toàn hệ thống.

Tính đến 30/9, tổng tài sản của ngân hàng mẹ là 475.505 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 330.743 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng đạt 366.206 tỷ đồng.

Song, một điểm tích cực khác đó là tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ACB đã tăng từ mức 19,5% hồi đầu năm lên mức 23,2%, qua đó giúp cải thiện biên lãi ròng (NIM). NIM của ngân hàng trong 3 quý đầu năm đạt mức 4,1%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Về chất lượng cho vay, số dư nợ xấu của ngân hàng mẹ tại thời điểm cuối tháng 9 là 2.792 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tương đương tăng từ 0,6% lên 0,8%; dù vậy, vẫn ở mức thấp so với toàn ngành.

Các khoản vay tái cơ cấu tại thời điểm 21/9 tăng vọt lên so với cuối năm ngoái cũng như quý II. Tuy nhiên, ngân hàng đã trích trước hơn 2.000 tỷ đồng để dự phòng cho các khoản nợ xấu tái cơ cấu. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu được đẩy mạnh lên mức 195%.

Trong quý II/2021, thu nhập lãi thuần của ACB đạt là 4.990 tỷ đồng, tăng 44,3%. Lãi thuần từ dịch vụ là 886 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối là 231 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ; Lãi thuần từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 91 tỷ đồng tăng 28% so với cùng kỳ. Riêng hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giảm 86% và hoạt động khác lỗ 20 tỷ đồng song do chiếm tỷ trọng nhỏ nên không tác động nhiều đến kết quả kinh doanh quý II/2021.

Các hoạt động kinh doanh chính đều có lãi cộng với chi phí hoạt động của ngân hàng giảm 10% nên dù trích lập dự phòng rủi ro quý 2/2021 tăng 3,15 lần so với cùng kỳ (đạt 1.386 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế quý II/2021 của ACB vẫn tăng mạnh.

Có thể bạn quan tâm