Quý 2/2021 ACB lãi kỷ lục, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 6.400 tỷ đồng

Lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm nay của ACB đạt khoảng 6.400 tỷ đồng, tăng 66% so với thực hiện trong nửa đầu 2020.
Quý 2/2021 ACB lãi kỷ lục, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 6.400 tỷ đồng

Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã: ACB) mới đây đã tiết lộ một số thông tin quan trọng trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2021 là 6.400 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ và thực hiện 60,4% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Riêng trong quý I, ACB đã báo lãi trước thuế 3.100 tỷ đồng. Từ đây có thể tính ra ngân hàng này lãi khoảng 3.300 tỷ trong quý II vừa qua, tăng 74% so với quý II/2020.

Bên cạnh đó, ACB cũng ghi nhận tăng trưởng tín dụng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, huy động tăng 1,8%, tỷ lệ nợ xấu 0,7% và tổng tài sản đạt 496.000 tỷ đồng tại ngày cuối tháng 6/2021.

Biên lãi ròng (NIM) trong 6 tháng 2021 tăng 50 điểm cơ bản so với năm 2020 và đạt 4% nhờ tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) tăng lên 82,4%. Trong nửa đầu năm 2021, ACB đã sử dụng hết 9,4% trong tổng số 9,5% hạn mức tín dụng ban đầu và được thông báo về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cấp thêm hạn mức, đưa tổng hạn mức tín dụng lên 13,5%. 

Ban lãnh đạo của ACB cho rằng NIM trong 6 tháng cuối năm 2021 sẽ giảm 50 điểm cơ bản so với 6 tháng đầu năm do ngân hàng sẽ cắt giảm đồng loạt lãi suất cho vay để hỗ trợ những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng như để thu hút thêm khách hàng mới. 

Mức cắt giảm lãi suất tối đa sẽ là 80 điểm cơ bản và 100 điểm cơ bản (tức 0,8%/năm và 1%/năm) lần lượt đối với các khoản vay ngắn hạn và các khoản vay dài hạn. 

Doanh thu từ thu nhập phí trong 6 tháng đầu năm nay đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ, trong đó 853 tỷ đồng đến từ mảng bancassurance - bao gồm cả phí tiếp cận. 

Chi phí dự phòng tăng trong 6 tháng vừa qua lên 2.000 tỷ đồng. Con số này cao gấp đôi so với cả năm 2020 và được giải thích là do ACB quyết định trích lập đầy đủ 1.400 tỷ đồng cho toàn bộ số dư nợ được tái cơ cấu thay vì phân bổ trong ba năm theo Thông tư 03.

Ngoài ra, dư nợ tái vay cơ cấu là 8.200 tỷ đồng tính đến tháng 6/2021 (giảm từ 8.500 tỷ đồng trong quý I/2021).

Mới đây, ngày 12/7, 540 triệu cổ phiếu mà ACB phát hành để trả cổ tức năm 2020 đã được niêm yết bổ sung. Ngày 26/7, các cổ phiếu này sẽ về đến tài khoản của nhà đầu tư và sẽ có thể được mua bán.

Cổ phiếu ACB đang được nhiều công ty chứng khoán như SSI, VNDirect dự báo sẽ được thêm vào chỉ số VN30 trong đợt tái cơ cấu tháng 7 này.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...