ADB: Kinh tế Việt Nam có thể đối diện với những bất lợi toàn cầu nhờ chính sách hỗ trợ tăng trưởng

Theo ấn bản kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo sẽ vào mức 6,5% trong năm nay và 6,8% trong năm 2024…
kinh tế Việt Nam
Chuyên gia kinh tế trưởng Nguyễn Minh Cường, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries và cán bộ cao cấp phụ trách đối ngoại Đặng Hữu Cự (từ trái sang)

Cụ thể, kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi ấn tượng trong năm 2022, được hỗ trợ bởi xuất khẩu, đầu tư FDI và sự phục hồi của tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, theo báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 4/2023 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tăng trưởng trong năm 2023 sẽ bị tác động không nhỏ bởi nhiều vấn đề bất lợi trên toàn cầu.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam phát biểu: “Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ bị hạn chế do suy thoái kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ tiếp tục thắt chặt ở các nước phát triển và tác động lan tỏa từ căng thẳng địa chính trị toàn cầu”. 

Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo thấp hơn trong 2 năm tới và lạm phát dự kiến sẽ tăng lên. Một thách thức chính của Việt Nam là xử lý những vấn đề trong lĩnh vực tài chính, bao gồm cả các khoản nợ xấu đang gia tăng. 

Ngoài ra, sau 3 năm đại dịch kéo dài đã bộc lộ các vấn đề về cơ cấu vốn, trong đó  thị trường vốn trong nước đã phải chịu nhiều áp lực. Mặc dù sóng gió thị trường chưa ảnh hưởng nghiệm trọng tới hệ thống do khả năng chống chịu của các ngân hàng, nhưng các rủi ro đang dần trở nên rõ ràng hơn. 

Về dài hạn, chính phủ cần duy trì cải cách lĩnh vực tài chính để giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nguồn vốn ngân hàng, đồng thời nâng cao tính minh bạch trên thị trường vốn. 

Theo dự báo của ADB, nền kinh tế Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng 6,5% vào năm 2023 và 6,8% vào năm 2024.

Đánh giá chung về triển vọng kinh tế trong năm tới, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng ADB Nguyễn Minh Cường nhận định các chính sách hỗ trợ tăng trưởng thông qua việc nới lỏng tiền tệ và khối lượng lớn đầu tư công kỳ vọng được giải ngân trong năm 2023 cùng việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, sẽ giúp Việt Nam đương đầu với những bất lợi trước mắt. 

Cụ thể, sản lượng nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,2% trong năm nay nhờ nhu cầu trong nước phục hồi và việc mở cửa trở lại của quốc gia tỷ dân - nơi chiếm 45% kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. 

Lượng khách du lịch đến từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 15/3 dự kiến cũng sẽ mang lại lợi ích cho ngành du lịch và dịch vụ, với dự báo tăng trưởng 8% trong năm nay.

Bên cạnh đó, đầu tư công sẽ là một động lực chính khác để phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 và 2024, thúc đẩy hoạt động xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan khác. Cùng với việc nhanh chóng chuyển sang chính sách nới lỏng tiền tệ trong tháng 3, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng mang lại hiệu ứng đa chiều, tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế.

Ông Nguyễn Minh Cường cũng lưu ý thêm, mặc dù chuyển sang chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nhưng Việt Nam vẫn nên tiếp tục ưu tiên ổn định giá cả, do căng thẳng địa chính trị leo thang và việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vẫn có thể làm gia tăng lạm phát trong năm 2023. Lạm phát bình quân trong hai tháng đầu năm 2023 tăng từ 1,7% cùng kỳ năm trước lên tới 4,6%. Lạm phát được dự báo sẽ tăng nhẹ lên 4,5% trong năm 2023. 

Có thể bạn quan tâm