Theo đó, phần lớn cổ phiếu ngân hàng Eximbank được giao dịch theo hình thức thỏa thuận với khối lượng đạt trên 204,7 triệu đơn vị, giá trị gần 5.714 tỷ đồng (tương ứng khoảng 27.900 đồng/cp).
Trong đó, khối ngoại là đơn vị đã góp phần đáng kể trong việc khiến thanh khoản EIB tăng vọt. Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 43,5 triệu cổ phiếu, giá trị hơn 1.254 tỷ đồng vào phiên 21/12. Nhưng sang đến ngày 22/12 lại bán ròng gần 101,7 triệu cổ phiếu EIB, giá trị hơn 2.846 tỷ đồng.
Tính chung trong 2 phiên vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 58,2 triệu cổ phiếu ngân hàng Eximbank, tương đương hơn 4,7% cổ phần ngân hàng này.
Đáng chú ý, cổ phiếu EIB đang tăng mạnh trở lại sau đợt lao dốc vào cuối tháng 10 và nửa đầu tháng 11, từ 42.000 đồng/cp xuống còn hơn 18.000 đồng/cp. Hiện cổ phiếu EIB đang giao dịch ở mức 27.850 đồng/cp.
Ngân hàng này dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường vào tháng 1/2023 tại TP. Hồ Chí Minh để bầu bổ sung thành viên HĐQT và một số nội dung thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.
Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh nhóm cổ đông Tập đoàn Thành Công đã thoái vốn khỏi ngân hàng Eximbank theo phương thức giao dịch thỏa thuận. Hiện, SMBC là cổ đông lớn duy nhất của ngân hàng này, nhưng đơn vị này cũng đang có ý định thoái vốn.
Ngày 18/3/2022, định chế tài chính đến từ Nhật Bản đã có văn bản thông báo về việc chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược với Eximbank.
Theo kế hoạch, ngân hàng Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2.500 tỷ đồng năm 2022. Như vậy, chỉ sau 9 tháng đầu năm, ngân hàng đã vượt kế hoạch cả năm, khi lợi nhuận trước thuế đạt 3.181 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 2.542 tỷ đồng, tăng 228%.
Mới đây, Hội đồng Quản trị ngân hàng Eximbank đã chấp thuận đề xuất của ban điều hành ngân hàng về kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 42,9% so với mức dự kiến trước đó của năm 2022.