Ẩn số Việt Liên Á trong vụ SCB cấp tín dụng hơn 6.000 tỷ đồng cho "dự án khống"

Sau khi đoàn thanh tra tới làm việc, ngân hàng SCB "bỗng dưng" nhận được lời đề nghị đổi tài sản đảm bảo của khoản vay khống hơn 6.000 tỷ đồng...

Khách sạn Saigon Prince Hotel.jpeg

Ẩn sau lớp "sương mù" của hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng SCB và Việt Hân Sài Gòn, hay thậm chí là tài sản bảo đảm mới đứng tên bởi doanh nghiệp Việt Liên Á đều có bóng dáng Vạn Thịnh Phát.

MUỐN BIẾN GIẢ GIẢ THÀNH THẬT

Như Thương gia đã đưa tin, báo cáo kết luận số 2099/BC-TTCP của Thanh tra Chính phủ gửi Thủ tướng Chính phủ về sai phạm tại dự án bất động sản tại số 33 Nguyễn Du và 34, 36, 42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM cho biết, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xây dựng Việt Hân Sài Gòn (Việt Hân Sài Gòn) là đơn vị cuối cùng sở hữu 4 cơ sở nhà, đất này.

Cũng theo báo cáo trên, Việt Hân Sài Gòn đã sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử đất và lập nhiều hồ sơ bằng "dự án khống" có tên là The Goldmark Premium Tower (thực tế không tồn tại dự án này, không có thủ tục xin lập dự án, không có phê duyệt dự án của các cơ quan có thẩm quyền) để thế chấp đảm bảo cho nhiều khoản vay vốn tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB).

Sau 3 vòng quay vốn, tổng số tiền SCB giải ngân cho "dự án khống" lên tới 17.408 tỷ đồng (lần 1: 5.800 tỷ đồng; lần 2: hơn 5.300 tỷ đồng; lần 3: 6.308 tỷ đồng).

Trong 2 lần giải ngân đầu tiên, các công ty vay vốn thông qua dự án khống đều hoàn tất nghĩa vụ nợ. Đến lần thứ 3, trong khi các hợp đồng tín dụng đều còn hiệu lực, thì Ngân hàng SCB bị thanh tra. Theo đó, SCB rơi vào thế khó và đứng trước nguy cơ bị lộ việc cho vay dự án khống.

Nói thêm về lần vay vốn thứ 3, đây là hợp đồng thế chấp tài sản bằng giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất số BB971073 của 4 cơ sở nhà đất trên thuộc "dự án khống" giữa Việt Hân Sài Gòn và Ngân hàng SCB. Việc thế chấp nhằm bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ cho 7 hồ sơ khách hàng vay ngắn hạn, với cùng mục đích sử dụng vốn vay như 2 lần trước là "Bổ sung vốn để thực hiện thi công dự án khống giai đoạn 1 tại địa chỉ của 4 cơ sở nhà đất trên".

Ngân hàng SCB đã thực hiện giải ngân 6.308 tỷ đồng và giải ngân trong cùng 1 ngày 29/8/2018 cho 7 pháp nhân, bao gồm: Công ty Cổ phần Bạch Minh Long, Công ty Cổ phần Supreme Power, Công ty Cổ phần Đầu tư Thuận Nha, Công ty Cổ phần Đầu tư Khai Gia, Công ty Cổ phần Clover Park, Công ty Cổ phần Thanh Man, Công ty Cổ phần Đầu tư Song Phú.

Dự án Khu dân cư Lô 9A2 – Khu 9A + B, Khu chức năng số 9 Đô thị mới Nam thành phố thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM

Dự án Khu dân cư Lô 9A2 – Khu 9A + B, Khu chức năng số 9 Đô thị mới Nam thành phố thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM

Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, sau khi có đoàn kiểm tra liên ngành đến kiểm tra, đến tháng 4/2019 thì 7 doanh nghiệp vay vốn nêu trên đã chủ động đề nghị dùng tài sản khác để thay thế cho tài sản bảo đảm này.

Bất động sản được thay thế là dự án Khu dân cư Lô 9A2 – Khu 9A + B, Khu chức năng số 9 Đô thị mới Nam thành phố thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM do Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản Việt Liên Á (Việt Liên Á) sở hữu.

Do kết luận không ghi cụ thể nguyên nhân nên cũng không rõ vì lý do gì khiến Việt Liên Á cho mượn tài sản để thế chấp. Chỉ thấy rằng, hành động của Việt Hân Sài Gòn và Việt Liên Á dường như muốn giúp ngân hàng SCB giảm bớt áp lực khi đang bị thanh tra. Song như đã nêu, việc SCB cấp tín dụng cho dự án khống đã bị Thanh tra Chính phủ "chỉ mặt điểm tên" tại kết luận.

VIỆT LIÊN Á LÀ AI?

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản Việt Liên Á tiền thân là công ty con của Công ty Cổ phần Việt Liên Á - một công ty chuyên đầu tư bất động sản tại TP.HCM. Công ty được thành lập vào ngày 29/6/2017, có địa chỉ tại 180 Võ Thị Sáu, phường 7, Quận 3, TP.HCM. Lúc này, ông Trương Văn Kiệt làm Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật của công ty.

Ngoài Công ty Cổ phần Việt Liên Á (chiếm 55,56% vốn chủ sở hữu), cổ đông sáng lập của công ty này còn có: Công ty Cổ phần BamBoo Capital (chiếm 12,12%) và các cá nhân gồm Đặng Tấn Thành (chiếm 10,1%), Trương Văn Kiệt (chiếm 10,1%), Nguyễn Quang Huy (chiếm 10,1%), Vũ Kim Chung Dung (chiếm 2,02%).

Tuy nhiên, đến ngày 7/3/2018, chỉ còn cổ đông Vũ Kim Chung Dung là giữ lại nguyên cổ phần, còn các cổ đông khác đều thoái sạch vốn khỏi Việt Liên Á. Từ đây, Công ty Cổ phần Việt Liên Á cũng không còn là công ty mẹ của doanh nghiệp này.

Đáng lưu ý, công ty mẹ của Việt Liên Á mới là chủ đầu tiên của dự án Khu dân cư Lô 9A2 – Khu 9A + B, Khu chức năng số 9 Đô thị mới Nam thành phố thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Nhưng khi công ty mẹ thoái vốn khỏi Việt Liên Á đã chuyển dự án này sang cho Việt Liên Á làm chủ đầu tư.

Sau nhiều lần tăng vốn và Việt Liên Á rục rịch về tay chủ mới thì cũng là lúc ông Nguyễn Tấn Đạt (sinh năm 1982) xuất hiện. Ông Đạt còn đại diện các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Vinametric (Vinametric), Công ty Cổ phần Kinh doanh địa ốc New Life (New Life).

New Life là chủ doanh nghiệp của Vinametric. Cả hai công ty này đều ít nhiều liên quan tới Vạn Thịnh Phát. Mà bóng dáng Vạn Thịnh Phát tại các khoản vay khống của Việt Hân Sài Gòn và ngân hàng SCB đều được Thương gia đã nhắc tới trong vụ Vinafood 2 trước đó.

Trong đó, Công ty TNHH Vinametric được biết đến là chủ sở hữu khách sạn Saigon Prince Hotel, một khách sạn 4 sao tọa lạc ngay trên đại lộ vàng Nguyễn Huệ, TP.HCM. Doanh nghiệp này được thành lập từ năm 1992, do Công ty Dalton Investment Pte. Ltd sở hữu. Đây là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh tại Singapore, với ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh dịch vụ khách sạn.

Tuy nhiên, theo đăng ký kinh doanh, vào năm 2018, Công ty TNHH Kinh doanh địa ốc New Life đã mua lại Vinametric từ Dalton Investment, với giá trị chuyển nhượng là 49 triệu USD.

Khi mua lại Vinametric, New Life cũng đã đổi tên khách sạn thành Saigon Prince Hotel thay cho tên gọi trước đó là Duxton Hotel Saigon. Đồng thời, để ông Nguyễn Tấn Đạt làm người đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp này, kiêm Tổng giám đốc

Nhưng từ tháng 5/2021, Công ty Cổ phần Kinh doanh Địa ốc New Life (đổi tên từ Công ty TNHH Kinh doanh Địa ốc New Life) đã không còn là chủ doanh nghiệp của Vinametric và vị trí này vẫn để trống trong đăng ký kinh doanh đến nay.

Về vốn điều lệ, năm 2019, Vinametric tăng vốn lên tới 2.000 tỷ đồng, thay vào đó, ông Đạt cũng là người được uỷ quyền là chủ của số vốn 2.000 tỷ đồng này.

Theo báo cáo tình hình tài chính năm 2022, Vinametric báo lỗ 182,3 tỷ đồng; vốn điều lệ cũng bị giảm xuống còn 1.543 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) là 1.48, tương đương công ty này đang nợ lên tới 2.243 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) là âm 11.81%. Dư nợ trái phiếu tính tới ngày 31/12/2022 của Vinametric 1.203 tỷ đồng.

Vinametric.png
Báo cáo tài chính của Công ty TNHH Vinametric

Được biết, chủ chuỗi khách sạn này kéo dài chuỗi thua lỗ từ năm 2019 tới nay, lần lượt là: âm 47 tỷ đồng (năm 2019), âm 69 tỷ đồng (năm 2020), âm 185,8 tỷ đồng (năm 2021).

Vào tháng 1/2021, Vinametric phát sinh khoản vay 790 tỷ đồng tại ngân hàng SCB, chi nhánh Đông Sài Gòn với tài sản bảo đảm là lợi ích thu được từ việc kinh doanh, khai thác giá trị tại khách sạn Saigon Prince Hotel.

Còn về phía Công ty Cổ phần Kinh doanh địa ốc New Life (New Life). Công ty này được thành lập năm 2015 với 2 cổ đông chính là Tô Trần Bảo Quyên và Hồng Tú Hương. Sau đó, cổ đông của công ty này liên tục được thay đổi từ 2 cổ đông lên 5 cổ đông.

Đến ngày 11/3/2016, Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Hạ tầng và Bất động sản Sài Gòn Star đã tham gia vào New Life, chiếm 15% vốn điều lệ. Một tháng sau, Sài Gòn Star gần như đã sở hữu hoàn toàn công ty này, với tỷ lệ là 93,46%, nhưng đến 13/1/2017, Sài Gòn Star lại thoái hết cổ phần tại đây, thay vào đó, cổ đông nắm giữ tỷ lệ lớn nhất là Lâm Sở Ngân (60%).

Tiếp đó, đến năm 2017, ông Nguyễn Tấn Đạt giữ chức Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật tại New Life. New Life có trụ sở tại số 2 Nguyễn Thị Diệu, phường 6, Quận 3. TP.HCM và có số vốn điều lệ lên tới 2.900 tỷ đồng (theo đăng ký kinh doanh năm 2019).

Ngoài việc mua lại khách sạn Duxton Hotel Saigon từ Dalton Investment, New Life còn tham gia vào liên doanh phát triển dự án trung tâm thương mại tại khu đất Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Nguyễn Thiệp với tổng vốn đầu tư khoảng 70 triệu USD. Trong đó, vốn góp thực hiện 36 triệu USD thông qua liên danh Vạn Thịnh Phát và Saigontourist. Dự án có tổng diện tích lên tới 5.160 m2.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Đổi tiền online: Cẩn thận “tiền mất, tật mang”

Dịp cận Tết là cơ hội cho các loại hình kinh doanh tiền mới, tiền có seri đẹp, tiền lưu niệm độc lạ để làm lì xì hoặc quà Tết, nhưng những dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng...

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Thông tư 02 hết hiệu lực, nợ xấu ngân hàng tăng nhanh?

Từ tháng 1/2025, các ngân hàng sẽ chính thức không còn áp dụng Thông tư 02 khi văn bản này hết hiệu lực vào cuối tháng 12/2024, nhiều nghi vấn đặt ra rằng điều này có ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các ngân hàng trong tương lai hay không...